chữ Hiếu

          


Chữ Hiếu từ ngàn xưa cha ông ta luôn dạy cho con cháu phải có hiếu với cha mẹ, kính trọng ông bà, hết lòng chăm sóc đấng sinh thành ra ta. Sự dạy dỗ đó được ông bà ta kể qua những câu chuyện, hay qua những câu ca dao tục ngữ.

"Công cha như núi Thái sơn,Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ Hiếu, mới là đạo con.

Trong gia đình người cha thường hay giáo dục cho con nặng hơn người mẹ, có khi người cha phải đòn roi những khi con sai "thương cho roi cho vọt ghét cho ngọt cho bùi" Có lẽ trong cuộc sống bây giờ cái đòn roi càng ngay càng ít đi, họ chỉ dạy con bằng lời khuyên răn. Riêng bản thân tôi, tôi cảm ơn ba đã cho tôi những trận đòn roi thật thấm, hồi nhỏ tôi là đứa năng động và thường hay đánh nhau với đám trẻ, ba chỉ nghe tôi đánh nhau, không cần biết ai đúng ai sai, ba bắt tôi đi lấy cái roi và nằm lên chiếc giường chịu phạt. Có những lúc ba đánh đau, thấy bà nội là chạy tới ôm chân bà kêu cứu ... Sau mỗi lần bị phạt xong thì mạ tôi lại vỗ về, lấy dầu nóng thoa đít và đôi khi đưa cho tôi tiền đi ăn kẹo. Nên ta lại nghe một câu: "Mẹ đánh một trăm, không bằng cha ngăm một tiếng.”  Cảm ơn sự đòn roi của ba để con được như hôm nay, không có đòn roi của ba chắc con đã hư mất rồi. Bây giờ, tôi đã lớn và có vợ có con, nhưng có những lúc tôi ước có ba bên cạnh để đánh vào đít tôi những roi thật đau, vì tôi đã làm sai một điều gì đó.

Mỗi giai đoạn trong cuộc sống thì có một cách dạy con khác nhau và tuỳ theo từng gia đình có cách dạy khác nhau. Có những người con bây giờ lớn khôn lại quay lại phán xét cha mẹ dạy con bằng đòn roi là sai, mắng chửi con là không đúng.


"Cá không ướp muối cá ươnCon không nghe cha mẹ trăm đường con hư"

Cha mẹ nào mà không thương con, không mong muốn cho con mình thành người. Cha mẹ đã sống lăn lộn với cuộc sống, kiếm miếng cơm manh áo để chăm lo cho gia đình, nuôi dạy con lớn khôn, cho con ăn học bằng bạn bằng bè. Bằng kinh nghiệm sống và sự trãi đời, họ muốn hướng con đi trên con đường đúng và không gặp sai lầm.

Tục ngữ lại có câu:


"Tu đâu cho bằng tu nhà, 
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.”  

Tôi không có theo đạo nào, chỉ theo đạo làm con làm cháu làm người. Bàn thờ gia đình luôn đặt thờ ông bà Tổ Tiên ngay nơi trang trọng nhất. Tôi luôn tâm niệm "Tu đâu cho bằng tu ở nhà" Ông bà, cha mẹ là người ta phải kính trọng yêu thương. Những người đã sinh thành ra ta, chăm cho ta từ lúc cất tiếng khóc chào đời cho đến khi khôn lớn. Khi ta có con ta mới hiểu hơn về lòng cha mẹ dành cho mình. Nghe con nóng cũng hoảng hốt lên, nghe con khóc ré giữa đêm cả nhà dậy tìm xem trên người con có bị con gì cắn không? Có những hôm tự dưng con khóc thét, người nóng như than hồng, cả nhà hoảng lên vì không biết con có chuyện gì? Con thì khóc vợ thì bấm máy hỏi ông bà ở quê.
Trong thực tế tôi thấy những người miệng luôn nói về đạo này đạo kia, ăn chay trường kỳ, rồi luôn miệng tôi là người hay lên chùa, tôi là người chuyên đi làm từ thiện, hay những ngôn từ cao siêu ... Nhưng về nhà lại mắng cha chửi mẹ, có nhiều cảnh nghe thôi mà làm ta quá đau lòng, mặc dù họ không là gì của ta. Có câu chuyện: nhà có bà già 80 tuổi, suy nghĩ không còn minh mẫn nửa, đôi khi ăn rồi mà nói là chưa ăn, đi vệ sinh thì đi luôn trên giường ... Nếu đúng ra những người con người cháu phải yêu thương, thông cảm và chăm sóc cho họ. Họ không làm như vậy mà đi chửi mắng và đôi khi trong đầu mong sao bà già này chết sớm đi cho rảnh nợ, suốt ngày phải bắt đưa cơm đến miệng, đi dọn dẹp vệ sinh.

Tôi có nhớ câu chuyện của một anh bà con kể:


  • Con người lúc sinh ra thì như con Heo, cứ ăn xong lại nằm, rồi lại ỵ ra đó có người lo dọn.
  • Lúc trưởng thành thì như con Trâu, cứ cày bừa ngày đêm để kiếm sống.
  • Lúc già thì như con Chó nằm giữ nhà hoặc chăm cháu, thích thì nó cho ăn, không thích thì nó mặc cho đói.
Cuộc sống thì bao giờ cũng có người tốt kẻ xấu, bên cạnh có nhiều người luôn kính cha thương mẹ thì vẫn còn những kẻ bất hiếu. Nên bên đạo Phật có ngày lễ gọi là lễ Vu Lan, ngày báo hiếu của con đến cha mẹ. Cả một năm đến tháng 7 thì có một ngày lễ thật lớn để nhắc con người nhớ đến ba mẹ (nhắc cho họ nhớ ta còn có ba mẹ). Họ còn tạo ra địa ngục dành cho kẻ bất hiếu, để răn đe họ sống tốt hơn.

Thiết nghĩ chúng ta không cần chờ đến tháng 7, mà ngày nào cũng nhớ về ba mẹ, không phải chăm lo cho ba mẹ là gửi thật nhiều tiền hay quà cáp. Trước tiên hãy sống và làm người thật tốt, ra đường họ khen: Ông có những đứa con thật tuyệt vời, sống luôn vì chữ Tâm. Đó cũng là một cách báo Hiếu cho cha mẹ. Hay chăm sóc cho con mình thật tốt, lớn khoẻ và ngoan, thì bậc cha mẹ mình đã nhận được những món quà rất lớn rồi. Đừng làm cho cha mẹ buồn phiền vì mình sống không tốt, sống làm những điều ác trong xã hội hoặc bị người đời mắng chửi: Thằng đó là đồ mất dạy. Ngày đơm tháng giỗ ông bà, hay những dịp lễ tết lại không đưa vợ con về nhà đoàn tụ ... bà con làng xóm họ hỏi: Con anh sao tết không về? Thì ba mẹ mình biết trả lời sao?

Có nhiều cuốn phim hài xem thì cười nhưng mà cười chảy nước mắt, câu chuyện trong phim: "Có ông kia nhà rất giàu, trong nhà toàn những thứ sành sứ mắt tiền. ông này lại có một người cha già sống cùng, lão già nên tay chân hay làm vỡ những thứ quý giá, chén bát mắt tiền ngày nào cũng vỡ. Ông con mới bực mình và đưa cha ra ở say vườn trong cái chòi canh, được ăn bằng cái chén nhựa ... Sau khi ông lão qua đời, ông đại gia mới chuẩn bị đi đốt cái chòi canh đi. Mấy thằng con vội can: Ba ơi đừng có đốt nó đi, ba cứ để vậy đi, sau này ba già như ông nội, con sẻ đưa ba ra ở đó. Chứ ba đốt đi mất công con dựng lại." Mình thương yêu hay bất hiếu với cha mẹ mình thì con cháu mình nó sẻ làm lại như vậy với mình thôi. Cha mẹ là tấm gương cho con cái mà. Hãy làm tấm gương sáng, chứ đừng làm một tấm gương mờ.
Lại có những câu chuyện nàng dâu mẹ chồng, họ xem thường mẹ chồng chỉ vì con dâu có chữ và mẹ chồng học hết lớp 3. Cái gì mẹ chồng nói con dâu cũng cãi lại, mẹ biết gì mà nói thế ... Rồi những lời nặng nhẹ khi mẹ không chăm cháu tốt hơn, hay nồi cơm mẹ nấu sao khô quá, con trẻ sao ăn được .... Mẹ chồng tuy không phải là người sinh ra mình, nhưng mẹ đã chăm lo cho chồng và hôm nay mẹ tặng con cho ta làm chồng.

Hãy nên sống thật tốt để không phụ lòng cha mẹ đã sinh thành và dưỡng dục ta khôn lớn. Đừng để khi ba mẹ không còn trên cõi đời này thì lại khóc than, đau khổ, rồi cắm hoa hồng trắng trên ngực ... lúc đó ba mẹ nào nghe được hay nhận được cái hiếu mà con dâng tặng.

Tặng các nàng dâu bài thơ Mẹ của anh:


Mẹ của anh
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa mặt trời xanh không cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Thơ của Xuân Quỳnh



KTS. Đinh Thanh Hải
Sài Gòn 27 - 08 - 2010

Nhận xét

Bài đăng phổ biến