Giờ này chú ở đâu?


.
 Khi tôi cất tiếng khóc chào đời thì chú tôi đã không còn nữa. Tôi chỉ còn nghe mệ nội và những người thân kể về chú. Chú ra đi vào ngày hè tháng 4 năm 1972 tại Đại lộ kinh hoàng ở Quảng Trị.
Sau chiến tranh, ông mệ nội và gia đình đã đi tìm chú, nhưng tìm hoài vẫn không thấy. Vì lúc chú qua đời, chỉ mỗi mệ nội tôi bên cạnh, mệ nội lấy tay đào cát vừa lấp đầy thân xác chú, có nỗi đau nào hơn thế không? Mệ nội quấn quanh xác con trai một tấm vải dù, rồi chôn con xuống cát, chờ qua chiến tranh quay trở lại lấy xác con về quê an táng.

Hình ảnh một người phụ nữ bên xác người chồng - ảnh internet

Tôi có viết một đoạn trong bài Nhớ Mệ: "Mệ tôi cả một đời cực khổ, hi sinh tất cả cái riêng của mình để chăm lo cho gia đình cùng chồng con. Chưa bao giờ tôi thấy mệ than thở một điều gì với chồng với con. Cứ quần quật làm những việc nhà rồi lại đi ra chăm sóc mảnh vườn. Ít khi thấy mệ ngồi nghỉ ngơi một chỗ, mệ cứ làm việc luôn tay luôn chân… Những chiều trời mưa mệ nội lại ngồi ở đầu hè và đem mấy cái áo rách ra ngồi khâu, những lần hết chỉ mệ lại gọi cháu nội tới luồn chỉ vô kim giúp, vì mắt mệ mờ nên không thể tự luồn chỉ vô cây kim… Mệ ngồi khâu áo một lúc lại đưa mắt nhìn ra sân và mệ khóc… Sau này tôi mới biết mệ nội thương người con trai nằm lại ở cầu dài Quảng Trị, tại đại lộ kinh hoàng năm 1972. Mệ khóc thương không biết mưa gió thế này con mình có lạnh không? Hồn con có được siêu thoát không? Mỗi lần gia đình làm đám giỗ con có về ăn được không? Khi thấy mệ nội khóc tôi chạy đến kéo áo mệ rồi hỏi: “răng mệ khóc rứa?” Mệ giật mình và quay lại xoa đầu tôi rồi mệ nói: “Mệ có khóc mô, tại bụi hắn bay vô mắt nên nước mắt nó chảy nước ra rứa…” Tôi thấy mệ nội khóc nhiều lần sau đó, nhưng tôi không tới hỏi nữa mà để mệ nội khóc cho nhẹ lòng. "

Lúc ông mệ nội còn sống, cứ nghe có ông thầy bói nào hay, là mệ nội tôi đi mời liền, mong sao tìm được con trai về chôn bên mộ phần ông bà tổ tiên. Mỗi lần đi là mỗi lần mệ nội tôi vô cùng đau khổ vì chẳng bao giờ tìm được con trai. Một bàn tay của người mẹ mất con, đào cát lên để lấp đầy, và trên cả một vùng cát dài, không có một cây lớn nào? thì làm sao mà tìm được chú. Nghe đâu sau chiến tranh một thời gian, những thi hài được đi tìm và quy tụ về nghĩa trang.

Mỗi lần tôi vào nhà mệ nội ở lại, lúc nào tôi cũng thấy mệ hay ngồi khóc một mình. Bên ngoài trời đang rét, không biết ở đâu đó con trai có ấm không?

Bây giờ ông mệ nội tôi không còn nữa, chắc là nơi 9 suối, chú đã đoàn tụ được với ba mẹ sau bao năm dài xa cách.

Nơi nào đó đang ôm thân xác chú tôi, xin hãy ôm chú tôi vào lòng, ôm một cơ thể tuổi mới 13. Xin cảm ơn những chùa với các vị sư đã lập một đàn cầu an, cầu mong cho những linh hồn chết oan sớm được siêu thoát.
Chú hãy yên nghỉ nhé, con cháu chú luôn nhớ về chú, nhớ về chú qua những lời kể của bà con, họ hàng, và bạn bè cùng thời với chú.

Những hình ảnh về: Pháp hội cầu siêu đồng bào tử nạn:

Đài Bồ tát Địa Tạng trên “đại lộ kinh hoàng”, Hải Lăng, Quảng Trị

  Lập đàn cầu siêu




Sài Gòn 04-2010
Bài viết: Đinh Thanh Hải

 

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến