Nhớ Mệ
Mệ và cháu - ảnh internet
. Hôm nay của 10 năm về trước là ngày mệ nội tôi đã chìm vào giấc ngủ ngàn thu. Mệ ra đi mãi mãi để lại sự tiếc thương của những người con mất mẹ, những người cháu mất mệ nội, những người bà con mất đi một người thân.
Sau khi ông nội tôi qua đời mệ thui thủi một mình trong ngôi nhà nhỏ, ba mạ tôi có nói bao nhiêu lần mệ cũng không chịu ra nhà tôi ở, mệ cứ nói với ba tôi: vườn tược gà qué ri mần răng mạ bỏ được, ra nhà bây rồi ai trong coi nhà cửa đây? …” Mệ cứ lấy lý do này lý do kia để từ chối không chịu ra nhà tôi ở. Mệ yêu ngôi nhà cùng mảnh vườn này lắm, đi đâu cũng muốn về nhà vì sợ gà qué không ai cho ăn, vườn tụi trẻ nhỏ vô phá. Vườn của mệ nội rất rộng, cây ăn trái rất nhiều: cây cà phê, cây tiêu, cây dứa, cây mít… Tôi hiểu mệ không ra nhà tôi ở chỉ vì: sợ tội cho ba mạ tôi con đông lại không giàu có gì.
Mỗi lần mệ đi chợ ghé vô nhà tôi, tôi hay xin ba cho vô nhà mệ ngủ lại. Ba tôi gật đầu cái là tôi kéo tay mệ đi, mệ cười và dồn những đồ ăn lại một đầu thúng còn đầu thúng kia mệ cho tôi ngồi trong, có những lúc đầu thúng kia thức ăn của mệ quá nhẹ, mệ lại nhặt mấy viên gạch bỏ vào thúng thức ăn cho cân đôi gánh. Đôi vai gầy của mệ đã chịu bao nhiêu sức nặng của cuộc đời đè lên, nay mệ lại gánh đứa cháu nội đi.
Những lúc được mệ gánh đi như vậy tôi rất vui, đôi quang gánh cứ đung đưa theo từng bước chân của mệ. Mà tôi ngồi đâu có yên, cứ xoay bên này lại quay sang bên kia, những lúc như vậy mệ nội nhăn mặt mắng yêu cháu: “con ngồi yên không bổ xuống đất chừ”. Chắc mệ cũng vui lây khi thấy cháu nội mình cứ cười đùa như vậy.
.
Mệ gánh cháu.
. Mệ tôi cả một đời cực khổ, hi sinh tất cả cái riêng của mình để chăm lo cho gia đình cùng chồng con. Chưa bao giờ tôi thấy mệ than thở một điều gì với chồng với con. Cứ quần quật làm những việc nhà rồi lại đi ra chăm sóc mảnh vườn. Ít khi thấy mệ ngồi nghỉ ngơi một chỗ, mệ cứ làm việc luôn tay luôn chân. Những chiều trời mưa mệ nội lại ngồi ở đầu hè và đem mấy cái áo rách ra ngồi khâu vá, những lần hết chỉ mệ nội lại gọi tôi tới luồn chỉ vô kim giúp, vì mắt mệ mờ nên không thể tự luồn chỉ vô cây kim. Mệ ngồi khâu áo một lúc lại đưa mắt nhìn ra sân và mệ khóc…
Sau này tôi mới biết mệ thương người con trai nằm lại ở cầu dài Quảng Trị, tại đại lộ kinh hoàng năm 1972. Mệ khóc thương không biết mưa gió thế này con mình có lạnh không? Hồn con có được siêu thoát không? Mỗi lần gia đình làm đám giỗ con có về ăn được không?
Khi thấy mệ khóc tôi chạy đến kéo áo mệ rồi hỏi: “răng mệ khóc rứa?” Mệ nội giật mình và quay lại xoa đầu tôi rồi mệ nói: “Mệ có khóc mô, tại bụi hắn bay vô mắt nên nước mắt tự chảy ra rứa …” Tôi thấy mệ khóc nhiều lần sau đó, nhưng tôi không tới hỏi nữa mà để mệ khóc cho nhẹ lòng.
Ngày ngày mệ tôi ra vườn hái những trái mít non, rồi vô cắt nhỏ ra để đem ra chợ bán hay mệ đi cắt những cây môn vô làm dưa chua… mệ nội đi chợ bán những thứ rau quả trong vườn để mua những thứ mắm muối phụ thêm cho bữa ăn gia đình.
Mệ hay nấu cho tôi ăn những món ăn thật ngon, thích nhất là những lần mệ nấu canh mít non với tép rang hay với tóp mỡ. Ăn thật đậm đà… tôi hay ăn canh mít không chứ không cần cơm, mệ biết vậy nên lần nào có tôi mệ cũng nấu một nồi thật lớn. Những dưa môn thì mệ nấu thành món xào với thịt heo hay vắt khô chắm với nước mắm cay. Hồi đó không có gia vị nhiều như bây giờ, chỉ có muối, mì chính, ruốc, nước mắm… rau ráng thì trồng sau vườn.
.
Một tô canh mít thật ngon.
.Có những đêm đang thiu thiu ngủ bỗng dưng tôi nghe tiếng cú mèo kêu sau vườn, tôi sợ quá ôm chặt lấy mệ, mệ thấy tôi sợ vội đi ra sân lấy đá ném đuổi nó đi. Mệ hay kể chuyện xưa cho tôi nghe hàng đêm, không biết sao mệ tôi nhớ nhiều chuyện như vậy? Nghe một lúc thì tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Sáng tỉnh ra thì đã thấy mệ ngồi dưới bếp nấu cơm, thấy tôi dậy mệ mắng yêu: “Tổ cha mi răng mà chân tay nặng rứa, ngủ gác lên người mệ làm mệ thở không được, mệ bỏ xuống một tý thì con lại gác lên…” Mệ tôi sáng nào cũng dậy thật sớm, mệ dậy nấu cơm cho ông nội ăn để đi làm ruộng.
Nghỉ hè tôi thường được ba cho vô ở với mệ mấy ngày liền, còn những lúc đi học thì ba chỉ cho tôi ngủ lại mấy hôm cuối tuần thôi. Ở nhà chơi đùa nghịch ngợm thường hay bị la, vô nhà mệ nội có bao giờ bị la mắng gì đâu? Tôi nhớ có lần tôi nghe bà con nói nhà ông nội mi có cuốn tán gái hay lắm, mi đi tìm mà học… còn nhỏ có biết tán gái là gì đâu? Nhưng vì tính tò mò của trẻ con, tôi vội đi tìm quanh nhà, coi thử ông nội dấu cuốn sách đó ở đâu? Tìm một hồi thì thấy sau bàn thờ có một cái hộp rất cũ được che bởi một một tấm vải màu đỏ.Tôi nghĩ chắc là đây rồi, tôi mới vội mở hộp ra xem thì thấy bên trong có một cuốn sách … tôi hí hửng cầm lên nhưng đọc không được vì toàn chữ lạ (chữ Hán). Mệ tôi sau vườn đi vào thấy vậy vội tới ôm tôi và khóc: “Răng mà dại rứa con ơi, ông bà bắt chết con à”. Mệ lấy cuốn sách trên tay tôi rồi đặt vào cái hộp cũ đó, sau đó mệ thắp nhang khấn ở bàn thờ: “Xin ông bà tha cho cháu nội của con, nó còn nhỏ dại không biết đã lấy cuốn gia phả xuống…”
Con nhớ mệ lắm mệ à, hôm nay là tròn 10 năm mệ ra đi mãi mãi, khi ông nội ra đi được 4 tháng thì mệ lại nhớ ông và cũng đi theo.
Lúc mệ nội bệnh nặng là lúc tôi đi theo đoàn trường vào Sài Gòn dự Festival kiến trúc. Nghe mạ tôi kể lại: khi mệ nghe tin cháu nội đi Sài Gòn mệ trách mạ tôi răng không nói cho mệ biết, để mệ cho cháu tiền tiêu. Số tiền đó mệ vẫn đặt trên gối để chờ cháu nội về mệ cho. Tôi vô Sài Gòn được mấy ngày thì mệ tôi đã bị cấm khẩu, không nói được gì. Gia đình không báo cho tôi biết chuyện vì sợ tôi lo lắng, với lại đường xa vậy làm sao tôi về một mình được? Mệ cấm khẩu một tuần rồi mới ra đi, lúc gần mất mệ có kéo mạ tôi lại định nói một điều gì đó, nhưng không nói được.
Cái đêm tôi vừa trở về tới nhà trọ thì trời đã tối, tôi ngồi ở cửa sổ thì thấy mệ nội tôi đi ngang qua, tôi giật mình và nghĩ: không lẽ mệ nội của mình đã có chuyện gì rồi? Tôi quay sang hỏi thằng bạn có thấy ai ngoài cửa sổ không? Thằng bạn cười và nói: có thấy chi mô? Tôi sợ quá vội đóng cửa sổ lại và đi ngủ. Sáng ra chị chủ nhà chạy lên đập cửa phòng tôi nói: “Hồi tối ba em có điện thoại nhờ chị báo với em là mệ nội đã qua đời, nhưng đêm khuya báo cho em sợ em lo lắng rồi tìm cách đi về quê luôn trong đêm thì không hay. Em coi thu xếp đồ mà về quê” Nghe xong tôi đứng trân người ra như một pho tượng.
Tôi đón xe ôm chở ra bến xe về quê chịu tang mệ, vừa về tới nhà ba tôi đã chạy ra và òa khóc, mệ mất rồi con ơi… Tôi chạy vội vô giường mệ đang nằm, vội lấy mấy tấm giấy che mặt lên để xem mặt mệ lần cuối, để bà con họ đưa mệ vô quan tài. Khuôn mặt mệ ốm và gầy gò, mệ ra đi mà chưa nói được một lời gì với con cháu. Mệ ra đi nhưng vẫn còn những điều mệ muốn nói mà chưa nói được.
Năm 2000 là một năm đại tang của gia đình tôi, một năm mà cả nhà phải chịu đến 2 sự mất mát quá lớn, ông đi xong lại đến mệ đi.
Lúc đưa mệ đến nghĩa trang, tôi cứ ngồi bần thần không khóc cũng không nói gì, đến lúc người ta nói hãy ném một nắm đất tiễn đưa lần cuối. Tôi đã không kìm được nước mắt, định lao xuống hố huyệt chôn mệ, bà con họ kéo tôi lại. Tôi khóc như chưa bao giờ khóc. Thương mệ quá mệ à, cả một đời cực khổ, chưa có sướng được một ngày nào.
Sau khi ông mệ tôi qua đời, không hiểu sao cây trong vườn không cây nào chịu ra trái, nó chết dần chết mòn, một vườn cây rộng lớn mà mệ tôi hằng ngày vẫn chăm sóc, nay hoang tàn quá. Chắc cây cối cũng như con người, nó cũng có linh hồn, nó yêu mến người đã trồng nó và chăm sóc cho nó cao lớn ra hoa kết trái. Nên khi người chủ ra đi thì nó cũng chết mòn theo.
Mọi năm cháu đều làm một mâm cơm cúng vọng, để nhắc cho em út con hay những người thân nhớ ngày này mệ nội đã ra đi. Năm nay con xin thắp một nén hương lòng để nhớ về mệ, con cầu xin cho mệ được yên nghỉ nơi chín suối, được đoàn tụ với đại gia đình mình, nhất là được gặp người con trai của mệ, người chú của tôi đã chết nơi Đại lộ kinh hoàng 1972 tại Quảng Trị. Lúc mệ còn sống cứ nghe nơi nào có thầy giỏi là mệ đi mời vô đó tìm xác chú đem về quê mai táng, nhưng bao nhiêu lần tìm chú mà không tìm được, sau mỗi lần như vậy mệ lại càng buồn hơn. Ở nơi vĩnh hằng đó chắc mệ của cháu không còn cực khổ nữa.
Cháu biết mệ vẫn luôn dõi theo từng bước chân của con của cháu, lo cho con cháu luôn gặp sự bình an.
.
Cháu nội của mệ
Đinh Thanh Hải
Sài Gòn, 05/09/2010 Âm lịch
(12/10/2010 dương lịch)
Nhận xét
Đăng nhận xét