Mít đượm tình quê hương

Trong vườn cây của người dân miền trung nói chung và Quảng Trị nói riêng, bao giờ cũng có những cây Mít, ổi, xoài ... Bà con trồng sau vườn vừa để che mát vừa để có cái ăn, cái bán. Miền trung với khí hậu quá khắc nghiệt, mùa mưa thì dầm dề, mùa nắng thì cháy da cháy thịt, nắng nóng kèm theo những cơn gió lào thổi đến càng làm khí trời thêm oi bức, khó chịu. Chính vì vậy ẩm thực miền trung cũng khá phong phú, mùa hạ oi bức thì có những món ăn như canh Chắt Chắt, canh Mít, canh chua ... Những món ăn qua bàn tay của mệ, của mạ càng đậm đà và ngon hơn. Những món ăn đó ngày xưa cứ ăn đi ăn lại hoài làm ta ngán ngẩm, đôi khi giận hờn không thèm ăn, mạ lại vỗ về: thôi ăn đi con, mai mạ ra chợ coi có cá thịt chi không, mạ mua về nấu cho con ăn.
Đến hôm nay khi rời xa quê hương rồi, không còn được mạ nấu cho mình ăn những món quê dân dã thì ta lại nhớ lại thèm. Nhìn tô canh mít làm ta nhớ lại những cảnh ngày xưa, lòng thắt lại những hoài niệm xưa bên gia đình với những bữa cơm đầm ấm.

Đái mít.
Trong vườn ông bà nội và ông bà ngoại tôi có rất nhiều cây mít, đến mùa cho trái trĩu cành ... con nít thì đi hái đái mít làm xụm hay chấm muối ớt ăn (trái mít non còn rất nhỏ cỡ ngón tay cái), đái mít nó có vị chát và thơm. Các mệ, các mạ thì hái trái mít non vào chế biến thành nồi canh mít cho cả nhà cùng ăn. Từ quả mít bà con quê chế biến ra rất nhiều món ăn khác nhau để thay đổi khẩu vị như: mít non dùng để nấu canh, kho cá, xào với thịt, làm gỏi ... Còn khi mít chín thì ngon vô cùng, khoái nhất là mít chín trên cây, nó ngọt và thơm hơn mít chín do ủ. Mít cũng có nhiều loại: Mít mật, mít ướt, mít dai, mít tố nữ ...
Ôi biết bao nhiêu món ăn từ mít thật ngon, mít non hấp cơm chấm ớt cay ... khi mít chín ăn và lấy hột mít luộc ăn bùi bùi thật ngon, từ hột mít cũng có nhiều câu chuyện dân gian vui lắm đó ... hay những từ nói láy: Mít đọt, mít sau đò ... xơ mít đem kho cá khô ăn cũng thật ngon.

Những múi mít chín thật ngon.
Khi nấu canh mít ta nên chọn mít ráo, trái mít non vừa đôi tháng bên trong những hạt mít còn mềm, cách chế biến thì cũng đơn giãn và tùy theo khẩu vị mà ta nêm cho vừa ăn. Thời xưa khi cuộc sống còn cực chưa có thịt cá như bây giờ, bà con nấu canh mít với tóp mỡ, hay ruốc ... sau này thì canh mít nấu với thịt, tôm tép, rạm, cá lóc. Đặc biệt canh mít phải có lá lốt mới ngon.
Về quê vợ tôi được mạ nấu canh mít cho ăn ngon quá, vô Sài Gòn lại thèm, vậy là đi tìm mít non để về nấu, ra chợ thấy trái Sake giống trái mít non, đem về chế biến như cách mạ chỉ, nhưng khi nấu xong thì nó nát ra hết ... tôi về thấy vậy vừa tức cười vừa vui. Nếu ở Sài Gòn bà con muốn tìm Mít non hay lá lốt để nấu canh thì nên về chợ Tân Bình, chợ ở đó bán nhiều món miền trung.
Nguyên liệu:
(4 phần ăn) mít non: 1kg
Rạm(cua đồng) : 300g
Lá lốt: 50g
Rau răm: một ít
mắm ruốc Huế: 1 muỗng xúp
Hành tím băm: 1 muỗng cà phê
ớt khô: 1 muỗng cà phê; ớt sừng: 1 trái; muối: 1 muỗng cà phê; đường: 1 muỗng cà phê.
Cách chế biến:
Chọn trái mít non hạt không cứng không mềm lắm, đem luộc hoặc hấp cho chín, gọt vỏ, cắt miếng cỡ ngón tay cái, bỏ hạt, ngâm nước muối loãng 15 phút, vớt ra để ráo.
Rạm lột vỏ đâm ra. Phi hành tím cho mắm ruốc và ớt khô vào xào thơm, cho nước vào nấu sôi, . Sau đó cho mít vào nấu, nêm muối, đường vừa ăn. Múc ra tô cho rau răm, lá lốt cắt nhỏ lên mặt, trang trí thêm bằng ớt cắt khoanh và ngò. Mít non nấu Rạm và lá lốt ăn với cơm trắng.

Tô canh mít đượm tình quê hương.
Bên cạnh đó bà con Quảng Trị có món mít thấu ăn cực đã, mỗi lần về quê vợ tôi đi chợ thấy mít thấu là mua liền mấy hộp vô ăn ... nhà tôi ở quê ăn hoài nên đâu có thèm như vợ chồng tôi ở xa mới về. Các O các chị hay làm mít thấu và đi bán hàng rong, ở tiệm thì ít có lắm.

Mít thấu, món ăn dân dã quê tôi
VẬT LIỆU:
- 300g mít tươi, non
- 2 trái khế chua, 1 trái chuối chát.
- 200g thịt ba rạ ngon.
- 200g tôm đất tươi.
- Rau răm, chanh, ớt.
- Mè rang vàng.
- Bánh tráng gạo nướng vàng.
- Muối, ớt, đường.
CÁCH LÀM:
Chuẩn bị :
- Mít luộc chín, khi luộc cho vào nồi một ít cốt chanh cho mít không bị thâm (có thể luộc bằng nước phằng chua pha loãng ). Mít chín xả nước lạnh, xé miếng mỏng vừa ăn.
- Thịt ba rọi luộc chín, cắt sợi.
- tôm hấp chín, bóc vỏ.
- Khế chua chuối chát bào mỏng.
- Rau răm cắt nhỏ.
- Muối ớt giã chung với đường.
- Trộn chung tất cả với nhau, cho thêm nuớc cốt chanh. Chanh bóc vỏ, tách lấy tép trộn với cho ngon.
Sài Gòn 12-05-2011
Đinh Thanh Hải
PS: Nhiều bà con khi thấy tô canh của mình đưa lên ngon quá, mới hỏi cách chế biến như thế nào. Tôi xin mạn phép đưa lên cùng mọi người cách chế biến món ăn dân dã mà đượm tình quê này.
Nhận xét
Đăng nhận xét