Bom mìn ... hậu quả của chiến tranh

Chiến tranh đã đi qua hơn 36 năm vậy mà những người nằm xuống vì bom đạn trong thời bình vẫn diễn ra, ở đâu đó ngày ngày vẫn có những con người không may mắn nằm xuống, hay phải mang trên mình những thương tật ... không còn đôi chân, bàn tay, con mắt, khuôn mặt ... Sự lo sợ cứ bám víu mãi những con người quê tôi ... mỗi khi nghe tiếng nổ ở đâu đó, bà con lại nhói lên sự lo sợ, lo sợ có người thân mình không may gặp bom đạn.

Sau 1975 ba tôi tình nguyện đăng ký tham gia vào một nhóm tháo gở bom mìn ở Khe Sanh ... ba tôi làm đội trưởng đội tháo gở bom mìn đó. Rất nhiều thành viên của nhóm đã ra đi mãi mãi trong những lần đi rà bom mìn ... Sau này tôi có nghe Trương Ninh cũng là thành viên trong nhóm tháo gở bom mìn kể: Hồi đó đi tháo gở có một vụ nhớ mãi ... một thành viên bị bom nổ, một tiếng nổ lớn và khói đen mịt mù ... nửa người phía trên của người đó bay lên cao và xoay tròn ...



người thương binh.

Hôm rồi xem chương trình người đương thời trên VTV6 nói về Huynh: "Gặp người đi tìm khuôn mặt thứ 13" Một đứa bé mới 4 tuổi đã phải mất đi khuôn mặt của mình, suốt một thời gian dài chàng trai này phải trải qua 12 cuộc phẩu thuật để mong tìm lại khuôn mặt ... sau mỗi lần phẩu thuật là những trận đau đớn về thể xác ... sau những lần phẩu thuật anh Huynh lại nói: sẽ không có lần phẩu thuật nào nữa ... Và đến lần thứ 13 anh Huynh đã từ chối phẩu thuật sau một tuần suy nghĩ.



Huynh gặp gỡ và giới thiệu về công việc của mình với các cựu chiến binh Mỹ - Ảnh: H.Giang

Huynh Kể lại trên trang http://www.nannhanbommin.com/:

"Mùa hè 1994, hai anh em sinh đôi Huynh và Hòa tò mò dừng lại xưởng gia công phế liệu chiến tranh trên đường đi học. Một tiếng nổ to phát ra, kèm theo đó là khói và mùi thuốc nổ. “Tôi không còn biết chuyện gì đang xảy ra xung quanh mình, chỉ mang máng nghe tiếng la hét của mọi người, rồi tiếng bước chân mọi người chạy...” - Huynh nhớ lại.
Cả hai anh em được đưa vào một bệnh viện quân đội gần đó và các bác sĩ đã dập tắt được luồng khói còn bốc trên cơ thể hai anh em. Hòa may mắn bị nhẹ hơn. Huynh nằm mê man, không ăn uống được gì suốt một tuần.

Vượt qua lưỡi hái thần chết, cậu bé Huynh bắt đầu phải làm quen với khuôn mặt dị dạng cùng vô số vết sẹo khắp cơ thể. “Mỗi lần ăn cơm là mỗi lần tôi gặp khó khăn vì cơm luôn bị rơi ra ngoài. Còn mỗi lúc nằm ngủ, tôi không thể nhắm khít mắt lại và nước mắt thường xuyên chảy” - Huynh kể về những ngày đầu tiên phải làm quen với thương tật.
Giờ đây Huynh vẫn mang gương mặt xấu xí, nhưng ít nhất không khiến người đối diện phải quay mặt đi khi trò chuyện. Để có được hình hài như bây giờ, cậu bé Huynh đã phải trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật đau đớn ở cả Hà Nội lẫn Mỹ.

Năm 1996, nhà làm phim người Thụy Điển Fokle Rydén đến Hà Nội, tình cờ đọc được mẩu tin tai nạn thương tâm này trên báo Việt Nam. Ông thu xếp vào quê của Huynh và Hòa ở Quảng Trị. Những thước phim của Rydén được phát trong một chương trình thời sự của Đài truyền hình Stockholm.
Nó làm lay động không ít người Thụy Điển. Doanh nhân Goran Avinius đã quyết định sang Việt Nam tìm cách giúp Huynh. Khi trở về nước, ông gửi tiền phẫu thuật cho Huynh thông qua Đại sứ quán Thụy Điển ở Hà Nội.
"
“Đau đớn ngoài sức chịu đựng” - Huynh kể về những lần lên bàn mổ. Nhưng dù vậy những cuộc phẫu thuật đầu tiên ở Việt Nam không mấy thành công. Xem ảnh Huynh gửi sang, ông Goran vẫn thất vọng. Ông quyết định kêu gọi thêm các nhà hảo tâm quyên góp tiền bạc và liên lạc với phía Mỹ để tìm các dịch vụ y tế miễn phí cho Huynh. Cuối năm 1999, cha con Huynh sang Mỹ và bảy lần phẫu thuật mới lại bắt đầu ở Bệnh viện nhi Shriners (Boston). Khuôn mặt giờ đây đã dễ nhìn hơn nhưng vẫn chằng chịt sẹo."

Chiến tranh đi qua rồi, không còn tiếng súng của đạn bom, không còn cảnh chết chốc hàng loạt ... Nhưng hàng ngày, hàng giờ ở một nơi nào đó của tỉnh Quảng Trị vẫn có những người nằm xuống vì bom đạn ... Những tang thương, chết chóc, chia lìa trong thời bình yên ...

Các bạn Chắc cũng có nghe kể những chuyện vui về cuộc thi nước nào liều nhất thế giới? ... lọt vào vòng chung kết có 3 nước: Mỹ + Nhật + Việt Nam ...  Mỹ thì khoe sự liều bằng cách tháo khớp ngón tay và nối lại ... còn Nhật mổ bụng lôi ruột phèo ra rồi nhét vào khâu lại ... còn Việt Nam thì vác quả bom tấn vào và ngồi cưa ... cả hội trường bỏ chạy tán loạn ...

Không phải chỉ có trong truyện cười đâu? Nó có thực ở ngoài cuộc sống đó các bạn, sự đói nghèo cơ cực đã đem cái liều đến với người dân, làm tất cả mọi việc để mong có miếng cơm ăn cho khỏi đói ... trong đó có nghề BOM ĐẠN. Năm đó tôi mới học tiểu học ... đang ngồi học thì nghe một tiếng nổ vang trời ... hướng tiếng nổ là phía đồi máy kéo ... ngoài đường rất đông bà con chạy về hướng đó ... tụi nhóc như chúng tôi cũng hùa theo ... ra tới nơi là một mùi phát ói ... những mớ tóc nằm trên cành cây ... Đó là 2 anh em ngồi cưa bom và bom phát nổ ... người nhà gom lại chỉ còn một nắm thịt để mai táng ...

Rồi cũng có một lần trong giờ ra chơi t
ôi vừa nghe tiếng nổ, liền chạy về hướng đó. Một cảnh tang thương diễn ra trước mắt tôi. Những người anh, người bạn tôi nằm trên cỏ, người thì không còn tay, người thì mất chân ... Máu chảy thấm sâu vào cỏ cây. Tuy còn nhỏ nhưng những điều tôi trông thấy như khắc sâu vào lòng. Những người anh, những đứa bạn của tôi tuổi mới chớm nở, chưa kịp đơm hoa kết trái cho đời đã chìm vào cỏ cây. Hồi đó tôi còn rất nhỏ, tôi chạy theo bà con ôm những đứa trẻ đi về bệnh xá ... những đứa trẻ nằm trên sàn thật đáng thương. Trong những  đứa trẻ đứng xem đó, có một anh may mắn còn sống sót, nhưng hôm đó bom đạn đã cướp đi một con mắt của anh.

Có nhiều người hỏi tôi sao lại có cái tên Bom Teo, vâng Bom đạn nổ là chết là teo ... tôi đặt chữ Bom Teo để bom đạn tránh xa tôi ra, không làm hại tôi là vậy.

" Có nơi mô như ở quê mình
Nghĩa trang cát trắng mỗi triền cát mặn
Hạt lúa củ khoai giữa mùa Nam nắng
Bưng chén cơm ăn sao đắng cả lòng.
Có nơi mô như ở quê mình
Mẹ đợi con, tóc hoá ngàn lau trắng
Lưng nặng thời gian, nghìn ngày trên bến vắng "



Liên hệ cùng trang website Nạn nhân bom mìn: http://www.nannhanbommin.com
Liên hệ:
Nguyễn Đức Huynh

Mobile : 0914444855

Email : nguyenduchuynh71@gmail.com


Sài Gòn tháng 9 năm 2011
Đinh Thanh Hải

Nhận xét

Bài đăng phổ biến