Mẹ ơi, con đã muộn rồi ...
Mẹ già - Hình Internet
Hắn chẳng biết ba mẹ ruột của hắn là ai? Và cái quê hương của hắn ở đâu? Hắn chỉ biết ba mẹ nuôi của hắn nhặt hắn về từ cái lò gạch cũ ... Trong một buổi sáng đi làm ruộng, đang trên đường đi thì hai vợ chồng già bỗng nghe từ phía lò gạch tiếng trẻ con khóc … Đôi vợ chồng chạy vội đến xem có chuyện gì? Vừa đến nơi thì họ nhìn thấy một đứa trẻ được quấn quanh mình bằng miếng bao cát gai và đặt trong cái nôi nhỏ bằng tre … Người vợ vội bế đứa trẻ lên và dỗ dành cho đứa bé nín khóc.
Hai vợ chồng ngồi chờ một lúc xem có ai quay lại tìm con không? Ngồi chờ hoài chờ mãi chẳng thấy ai quay lại, mà mặt trời thì đã lên quá đỉnh đầu rồi.
Cô vợ thấy chồng đứng ngồi không yên, cứ đi đi lại lại như đang tính toán điều gì ? Cô vợ vội kéo chồng ngồi lại và nói: " Ông cứ đi đi lại lại làm tôi chóng mặt quá, tôi có ý này ông thấy thế nào nhé: Hay vợ chồng mình đem con về nhà nuôi, nếu ba mẹ nó có quay lại thì ta trả con cho họ, còn nếu không ai quay lại thì ta sẻ dạy dỗ con nó lớn khôn thành người, ta sẻ không cho con biết con là đứa con nuôi.” Ông chồng cười và nói: “ Tôi cũng định nói với bà như vậy đó, vợ chồng mình đã già rồi mà mãi không có con, chắc ông trời thương nên mới tặng cho hai ta một đứa con như thế này. "
Hai vợ chồng đặt cho đứa bé tên là Lượm Vui, lượm là nhặt được – Vui là sự vui sướng vì có được đứa con rơi rớt mà ông trời trao tặng.
Hai vợ chồng cưng thằng con nhiều lắm, bao nhiêu áo quần đẹp, đồ ăn ngon đều dành cho con … Nuôi con được hơn một năm thì hai vợ chồng mới tính chuyện bỏ làng đi nơi khác ở, sợ sau này người ta tới tìm con và bắt con trai đi mất.
Nơi họ chọn chuyển đến sống là một vùng quê nghèo, nơi này còn nghèo khổ hơn miền quê của họ đang sinh sống, nhưng thôi phải cố gắng mà chịu đựng chứ biết làm sao bây giờ.
Đến nơi ở mới với bao nhiêu khó khăn ập lên đầu đôi vợ chồng già, ông chồng thì đi làm phụ thợ xây, bà vợ thì đi vào rừng chặt cũi rồi gánh ra chợ bán, kiếm đôi lon gạo, hạt muối sống qua ngày … đứa con thì cứ luôn đi theo mẹ … Cuộc sống của họ tuy nghèo khó nhưng rất hạnh phúc, đứa con mỗi ngày mỗi lớn khôn. Cứ đi làm về vừa nhìn thấy con là ông chồng quên đi bao mệt nhọc … ông cứ vuốt đầu con mà dạy: " Sau này con trai lớn lên cố gắng học cho giỏi nhé, học nghề kỷ sư về làm nghề xây dựng cho đời con sướng, không có khổ cực như ba mẹ nữa con nhé ! "
Rồi một hôm ông già đột ngột qua đời, để lại bà vợ già và thằng con côi cút … Lượm Vui lúc này đã lớn và có thể kiếm tiền lo cho gia đình. Một hôm người mẹ mới kể lại toàn bộ câu chuyện cho con, để con biết mà đi tìm ba mẹ ruột … Nghe mẹ kể xong Lượm Vui giận ba mẹ nuôi lắm và hờn trách tại sao bây giờ mới kể cho hắn nghe … Nếu kể sớm thì hắn đã đi tìm ba mẹ ruột sớm rồi. Người mẹ biết con giận nên nói: " Con à, ba mẹ chỉ vì sợ mất con nên mới làm vậy, nghĩ lại mẹ thấy cũng ích kỹ với con … nhưng con ơi thôi thì ba mẹ không có công sinh thành thì có công dưỡng dục … ”
Từ đó Lượm Vui chẳng nói năng gì, hắn đăng ký đi lính để trốn thoát cái làng quê này … hắn đi biền biệt. Vô lính hắn cũng thay tên đổi họ, sau 1975, đất nước không còn chiến tranh nữa, hắn ở lại chứ không về quê, hắn sống chui rúc quanh các tỉnh miền đông nam bộ … hắn quên rằng ở quê có người mẹ già đang chờ tin hắn từng giờ từng ngày ... Chờ đợi trong mòn mỏi và tuyệt vọng, nước mắt của người mẹ nhớ con đã làm đôi mắt mờ đi, không còn thấy rỏ nữa …
Ở trong này hắn đã lập gia đình và sinh ra ba thằng con trai … hắn làm đủ nghề, từ buôn lường bán láo, đến lừa gạt người này người kia … Nhưng đi đêm hoài cũng phải gặp ma, lần đó nó lường gạt hơn 10 gia đình, nếu vụ này mà xuôi lọt thì chắc cũng có khá tiền, hắn tính xong cái là hắn cùng vợ con trốn đi nơi khác ở … Nhưng mọi người kịp phát hiện và kéo đến nhà nó, đánh cho nó một trận thừa sống thiếu chết, sau đó họ khuân vác của cải trong nhà đi hết, hắn lại trắng tay … Ở nơi này không còn ai tin tưởng hắn nữa. Hắn đành lòng khăn gói về Sài Gòn sinh sống …
Hắn cùng vợ và ba đứa con làm đủ nghề, từ đi nhặt đồ ở bãi rác, đến làm cu li chuyên khuân vác hàng hóa ở bến xe, chợ búa … Ban ngày thì đi làm còn tối lại cả gia đình hắn chui xuống gầm cầu mà ở.
Sau vài năm ở Sài Gòn hắn cũng mướn được nhà ở, mở được quán bán cháo lòng … vợ hắn được tài nấu ăn khá ngon. Vậy là hắn thôi đi làm công nhân khuân vác nữa, hắn ở nhà phụ vợ bán quán, hắn dọn bàn rồi rửa chén.
Cũng từ đó hắn sinh ra rảnh rỗi, ngoài phụ giúp vợ bán quán ra thì thời gian còn lại hắn chẳng biết làm gì … Hồi đó ở quán hắn có mấy vị nhà văn nhà thơ thường ghé ăn, có đôi vị còn ghi sổ nợ dài cả trang … Hắn lân la làm quen với đám trí thức nghèo này … Và riết hắn trở thành bạn với họ, hắn được họ kể chuyện viết văn ra sao, làm thơ thế nào … hắn nghĩ coi bộ cũng dễ mần quá, thế là trong đầu hắn có ý nghĩ tập viết … Hắn nghe các lão nhà văn nói: " Cứ cầm viết lên viết nhiều sẻ có kinh nghiệm, hãy viết những câu chuyện về cuộc sống, quê hương, làng mạc … không cần phải viết thật vì “Văn nói láo báo nói thêm”. Ông cứ xem viết văn làm thơ như việc vợ ông nấu nồi cháo lòng vậy đó, cứ thêm mắm muối vô cái nồi, sau đó múc ra ăn ..." Hắn nghĩ trong đầu: Cái gì chứ lường láo, nói sai sự thật là nghề của hắn mà …
Thế là hắn bắt đầu tập viết, hắn viết về cuộc sống quanh hắn, rồi viết về những cái nó trải qua, hắn mơ màng lần tìm về quá khứ … Mỗi lần viết xong hắn nhờ những lão nhà văn biên tập lại, sửa chính tả hay thêm thắt tình tiết, có khi họ sửa nguyên một đoạn dài ... mà công nhận qua bàn tay của họ thì tự nhiên bài của hắn khá hơn nhiều ... Sau một năm trời lăn lộn với cây viết, hắn đã có hắn mấy chục câu chuyện, nhờ mấy ông nhà văn nhà thơ viết hộ đôi lời tựa và gõ cửa nhà in xin họ in giúp ... Cuối cùng hắn cũng có một tập truyện in thành sách hẵn hoi. Hắn chợt nghĩ: Chà cái nghề bán chuyện, bán cảm xúc (xạo) này cũng hay ... vừa có tiền vừa có tiếng. Biết đâu sau này hắn trở thành nhà văn nổi tiếng cũng nên.
Hắn bắt đầu lần tìm đề tài về quá khứ, quê hương …Trong lúc đang miên man nghĩ thì hắn chợt nhớ về quê xưa - hình bóng người mẹ nuôi hiện ra trước mắt. Hắn bắt đầu ân hận, dằn vặt , nhớ thương … Ừ mẹ không có công sinh thành nhưng mẹ có công dưỡng dục, sao ta lại bỏ mẹ như vậy ? Vợ chồng hắn đẻ ra ba đứa con, nuôi con quả thật gian nan biết nhường nào ...
Lúc này, trong hắn cái phần người ít ỏi hiện ra … Hắn kể hết mọi chuyện cho người vợ, hắn thú nhận tên hắn là Lượm Vui, ba của hắn không phải là một kỷ sư cầu đường mà chỉ là người đi làm phụ hồ ... Hiện giờ hắn còn có mẹ nuôi già nua ở quê, không biết còn sống hay đã chết ? Hắn quỳ gối trước mặt vợ mà khóc: Em ơi giờ anh quá ân hận, anh muốn xin vợ ít tiền để về quê thăm mẹ ...
Cô vợ nghe xong câu chuyện mới thở dài và nói: " Sao anh nói anh mồ côi từ nhỏ ? Còn cái tên Lượm Vui đâu có xấu xa gì mà anh phải đi thay tên đổi họ - Anh chối bỏ cha mẹ đã nuôi dưỡng anh khôn lớn ... anh làm vậy để được gì ? Tôi không ngờ anh sống được với những sự dối trá, bất hiếu qua từng đó thời gian ? "
Hắn đón xe đò về quê thăm mẹ … đứng trước cửa ngỏ hắn nhìn vô thấy một bà già chống gậy đi ra vườn. Hắn chạy vào ôm lấy mẹ, người đàn bà già nua quay lại và hỏi: Chú là ai? Sao lại ôm tôi như vậy ?
Hắn nói: con là Lượm Vui đây mẹ ơi …
Người mẹ già đã mất trí nhớ từ lâu, không còn nhớ đến mình là ai nữa? Thì làm sao bà nhớ ra được thằng Lượm Vui là đứa nào ?
Sài Gòn 27/03/2013
Đinh Thanh Hải
Nhận xét
Đăng nhận xét