Ngày mai sẽ ra sao ?
làng bản xa xôi - Làng Cát ở Dakarong Quảng Trị - Ảnh Đinh Thanh Hải
Ngày đó ở quê nó thật yên bình, cây cối ôm người, người sống nhờ cây. Những căn nhà nhỏ nằm giữa những tán cây, khu nhà luôn mát về mùa hè và luôn ấm khi mùa đông giá rét. Biết bao nhiêu cơn bão mạnh đi qua nhưng không thể nào xô ngả những căn nhà vách đất mái tranh. Cây như là một người bạn thân của con người, chẳng thể nào sống thiếu cây … Trời đông lạnh, cây lại cho củi để con người đốt mà sưởi ấm, đốt xong lại làm một nồi than để dưới chiếc giường mà ngủ, thời đó làm sao có áo quần đủ ấm, làm sao vượt qua được cái lạnh?
Đám trẻ con cũng xem cây cối như người bạn … chúng tụ tập quây quần bên cây mà vui đùa, đám con gái thì hái lá làm tiền và chơi trò mua bán, đám con trai thì leo trèo trên những cành cây, chúng leo thoăn thoắt, chạy nhảy như là đang chơi trên nền đất … mạo hiểm nhất là chơi trò đuổi bắt trên cây, chúng nó chạy và chuyền cành như những chú vượn, giờ nghĩ lại sao hồi đó liều quá vậy, chỉ cần trượt chân hay cành cây gảy là xong chuyện.
Đêm đêm từ nhà này nhìn sang nhà kia chỉ thấy ánh đèn dầu leo lét, khoảng 7 hay 8 giờ là mọi người đã lên giường đi ngủ, bữa cơm chiều cũng đã ăn lúc mặt trời chưa tắt … Cuộc sống êm đềm làm sao, không khí thật trong lành chẳng có bụi bặm ô nhiễm hay cái ồn ào của xe cộ ... Hồi đó có ai thèm ở mặt đường đâu? Ờ ngoài đường thì lấy gì mà ăn? Ở ngoài đường vừa xa nguồn nước, nương rẫy, lại bị gió lạnh mỗi khi đông về … Bà con đa phần hay chọn nhà nằm gần suối, hồi đó hợp tác xã chia ra làm nhiều đội, và mỗi đội có một cái giếng nằm ở dưới khe suối, bà con đi gánh nước ở cái giếng đó về dùng … cứ chiều chiều ở cái giếng đó thật đông vui, con nít được ba mạ đưa đi tắm rửa.
Ba và mạ nó cưới nhau xong thì ra ngoài đường 9 ở để tiện buôn bán … hồi đó chỉ có lèo tèo đôi ba cái nhà nằm ở dọc con đường 9 thôi, vì ra ở đó gió rét, xe đi qua Lào rất ồn ào. Ba mạ nó thì ra ở riêng với hai bàn tay trắng, ba nó làm nghề cắt tóc, vẽ, còn mạ thì tảo tần buôn bán, chăm sóc con cái ... Có những đêm cả đoàn xe dừng lại và ghé vô nhà nó trao đổi hàng, đổi gạo đổi mì chinh (bột ngọt), đổi nếp … Mỗi khi mặt trời vừa tắt là gia đình nó đốt một đống lửa ở giữa nhà, mọi người quây quần bên đống lửa nói chuyện thật vui, họ ngồi một lúc rồi lại lên đường đi tiếp … con đường 9 Nam – Lào đó nó nhớ mãi, những kỷ niệm ngày đó mà ngỡ là ngày hôm qua.
Giờ đây cứ mỗi lần buồn phiền, nó lại tự thả hồn mình về với nơi đó, miền núi cao của nó … như thể mình đang làm đứa trẻ tung tăng chẳng biết lo lắng gì với cuộc đời. Bước ra đường gặp ai cũng chào hỏi vui mừng, thắm thiết cái tình xóm làng … nữa đêm nhà ai đó có người ốm thì cả xóm tập trung lại xem có giúp gì không? Có lần nó bị kinh phong co giật, có người còn đem cả con gà và đôi cái trứng đến cho tôi (đó đôi khi là cả gia tài của họ) … Cái tình cảm của con người của quê hương nó đã tạo nên con người của tôi hôm nay. Nó quý chữ tình cái nghĩa, sống phải nên yêu thương nhau, tử tế nhau … Khi xa rời miền núi cao nó vào Sài Gòn lập nghiệp, cuộc sống ở đây khác xa với quê nó … càng ngày nó càng lầm lỳ hơn, ít nói hơn, sống nhạy cảm với tất cả mọi thứ … khi nó quý ai nó sẻ sống trải lòng, nhưng lắm lúc nó bị vùi dập … Những lúc đó nó lại cố nhớ về những chuyện ngày xưa, sự yên bình lại trở về với nó.
Nhà trên núi - Bản làng ở khóm 6 Khe Sanh - Ảnh Đinh Thanh Hải
Ôi nó cứ ước gì nó mãi là đứa trẻ, nô đùa với đám bạn trong xóm nghèo, sống bình yên dưới tình thương yêu của mọi người. Giờ đây nó cũng đã có con, nó thấy con nó ở thành phố tuy vật chất tốt hơn, nhưng không thể nào hơn nó khi ở miền núi cao, cuộc sống của con nó tù túng, sự vui chơi nô đùa cũng hạn chế … sinh ra đôi ba tháng đã cai sữa, đứa trẻ lại uống sữa bình … đâu còn thấy cái cảnh người mẹ phải lấy ớt cay hay thuốc đắng bôi lên vú cho con bỏ bú … đâu còn cảnh mẹ phải trốn về nhà ngoại cả tuần cho con quên bầu sữa … con thơ thèm khát còn mẹ thì đau vì ngực căng lên vì tức sữa. Rồi còn đâu những câu ru con ngủ: Ầu ơ….ví dầu cầu ván đóng đinh. Cầu tre lắc lẽo ơ….gập nghềnh khó đi. Ơ….khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học ơ ... con đi trường học, mẹ đi trường đời. Bây giờ con khóc lại mở nhạc người lớn cho con ngủ … thật buồn.
Cuộc sống thành phố có cái hay và cái chưa hay, nếu nói quê hay hơn sao không về quê mà sống … vâng rất khó, nó sinh ra là đã phải đi xa gia đình rồi … về quê nó biết làm gì đây? Con cái nó lớn lên ở thành phố chắc chắn học hành sẻ tốt hơn ở quê, nhưng cái đó chỉ nói cái đa số, chứ quê vẫn ối người học cao học rộng. Nhưng cái thiếu ở đây là cái tình cảm giữa con người với con người, cái đó nó cần cho mỗi chúng ta …
Hôm nay, sau nhiều suy nghĩ, buồn phiền … Nó xin thả hồn về với ngày xưa một lúc, cho tâm bình an và nhẹ nhàng với cuộc đời … trên vai nó còn có cả một đôi quang gánh, không thể nào dễ dàng vứt bỏ mà ra đi, cắt bỏ khi nó làm ta đau đớn, cắt bỏ như cái ruột thừa …Để rồi nó được làm những cái nó thích, nó muốn. Nếu ai cũng làm được như vậy thì đâu có còn là cuộc sống? Những cái ràng buộc quá lớn đã níu chân một con ngựa bất kham …
Nhiều người trọng chúng ta vẫn còn có suy nghĩ: Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” nghĩa là: một đứa con trai mới là con, mười đứa con gái không phải là con … Cứ nghĩ sinh con trai để nó nối dõi tông đường … rồi sau này được con cái chăm sóc, phụng dưỡng lúc tuổi già, đau ốm, lúc chết có người cầm cây gậy đi thụt lùi, và nhang khói cúng giỗ … Chưa chắc đâu quý vị, cuộc sống này khó nói lắm … Con nào cũng là con, đôi khi con gái nó còn nấu cho tô cháo khi mình đau ốm, chứ đẻ thằng con trai xong lúc lớn nó tung bay ra xã hội, đi xa gia đình, lâu lâu nó mới ghé về thăm … Nó chẳng giúp gì đôi khi còn gây buồn phiền đau khổ cho gia đình nữa, nó cưới được con vợ đàng hoàng tử tế thì may ra mình được yên bình, cưới đúng con vợ tào lao thì coi như đi tong, ba bữa chuyện này ba bữa chuyện kia … chẳng thể nào mà sống vui vẻ được.
Có ai trong đời không muốn luôn được sự bình an, vui vẻ, hạnh phúc … Nhưng có phải cái gì ta muốn cũng đều được, ta không muốn thì thôi đến làm gì? Nhưng cho dù như thế nào ta phải làm cho trái tim ta luôn biết yêu, cho dù biết yêu đương sẻ có lúc làm ta hạnh phúc đến tột đỉnh nhưng cũng có lúc nó làm ta chìm dưới đáy đại dương. Nhưng không vì thế mà ta dừng lại, dừng lại là coi như ta đã chết, ta chỉ như một vật tồn tại với thời gian mà thôi. Ta có quyền được yêu nên hãy cứ yêu.
Cuộc sống này ngắn lắm ai ơi
Chẳng mấy chốc mà ta thành cỏ dại
Ta cứ yêu đi xin đừng e ngại …
Hãy cứ yêu đi …
Yêu đi cho tim mình còn thổn thức
Còn nồng nàn hay rướm máu,
Còn hạnh phúc với đau thương
Hãy cứ yêu đi …
Cho máu được lưu thông
Cho hơi thở thêm nồng thắm
Hãy cứ yêu đi …
Dù mai này hạnh phúc hay khổ đau
Ta chấp nhận vì mình còn được sống
Còn làm người theo đúng nghĩa yêu đương
Sài Gòn 16/10/2012
Đinh Thanh Hải
Nhận xét
Đăng nhận xét