Nó đi thi đại học (phần 2)
Ê hè ni mi có đi học ôn thi nơi mô không? tau định đi vô Huế nơi đó có nhà bà con của tau ở Vỹ Dạ ...
Đám học sinh lớp 11 ở trường Hướng Hóa tụi nó cứ nhao nhao bàn tán cái chuyện đi học ôn ở trường thành phố hay về thị xã Đông Hà ... đa phần là đám học sinh đi thẳng vô Huế học luôn, vì trước sau gì cũng đã xa miền núi Khe Sanh Hướng Hóa rồi, đi luôn vô thành phố học cho hay, cho tốt. Hình như cái phong trào học ôn đó nó khá mạnh, cứ nghỉ hè cái là học sinh đi học ôn liền. Nhà của nó thì có ông cậu Hùng, con trai út của ông ngoại, hồi nớ cậu nó cũng vô Huế học ôn, ở nhà người quen trong thành nội Huế, sau đó cậu nó thi đỗ tới hai trường, trường sư phạm Huế thì đạt Á khoa, và cậu đậu trường đại học Y khoa Hà Nội, cậu nó mơ được làm bác sĩ lắm, nhất định là phải học trường Y thôi ... năm đó cậu nó thi hai trường, và cậu nó nói: Nếu năm ni chưa đậu trường Y khoa được thì học trường sư phạm, và vừa học vừa ôn để năm tới thi trường Y khoa, thi lui thi tới cho khi nào đậu thì thôi ... Công nhận cậu nó có ý chí thiệt lớn, cậu nó là tấm gương cho đám cháu như nó và các em nó noi theo đó ... Ừ muốn thoát nghèo thì phải học chơ biết mần răng.
Cái việc học của nó cũng rất " nghệ sĩ " vừa học vừa thơ ca nhạc họa, chứ không phải chuyên tâm học và học mô, nhớ hồi nớ mê cây đàn guitar hung, hắn lấy hộp thuốc JET và buộc mấy chạc địu (giây thun) để bấm đàn, rồi còn mua sách học gam mà lần mò học từng gam Am, Dm, C, E7 ... nhưng làm sao có tiền để mà mua guitar chứ, một cây tới mấy trăm ngàn. Tết năm đó nó đi chơi bầu cua, hên răng đó nó thắng tới 300 ngàn, ui chao ui nó vui hung, chạy vù vô nhà xin ba mạ cho về dưới làng chơi (làng nó cách Đông Hà 10km), chứ nó không nói là đi mua đàn ... năn nỉ một hồi thì ba ma đồng ý cho nó đi về quê chơi tết. Nó chạy ra bến xe và bắt xe đò về Đông Hà ... đang đi lang thang trong chợ Đông Hà thì nó thấy mấy chú nó dưới làng đang đi mần chi ở chợ ... mừng quá nó chạy tới, chú Cảnh thấy no vội hỏi: mi đi mô đây?
Dạ cháu đi mua đàn guitar chú nờ
Chà mi cũng thích chơi guitar nữa răng
Dạ cháu mê lắm ạ
Rứa mi có đủ tiền không mà đòi mua đàn rứa hè
Dạ cháu có gần 300 ngàn chú nờ
Ờ rứa thì đủ đó, chừ đi theo chú ... chú mua giúp mi
Hên quá, chứ mần răng lúc nớ nó tự chọn đàn mà mua được ... chú Cảnh mua cho nó cây đàn hiệu Tân Châu của Huế.
Rứa là mơ ước đã thành hiện thực, nó đã có đàn năm lớp 9, nó mày mò học từng gam một ... Từ ngày có đàn, nó cứ ôm mà tự học hoài, nó nhịn ăn hàng quà vặt để có tiền đi mua những cuốn sách tự học đàn guitar, hình như nó mua nhiều lắm ... Ba của nó cứ thấy nó ôm đàn hoài mà không chịu học nên mới lấy đàn cho vô sập và khóa lại ... ui chao ui nó khóc như mưa, rồi chờ hoài mà ba nó vẫn không chịu trả đàn cho nó ... nó mất ăn mất ngủ vì cái chuyện ni đây, hôm nớ đánh liều nó viết thơ cho ba nó: " Ba cho con xin lại cây đàn và con đem đập nó đi rồi đốt thành tro, chứ để cây đàn trong nớ con không chịu được."
Ba nó biết tính nó muốn là phải cho được, ba nó ra điều kiện: Ba sẻ cho con chơi đàn nhưng con hứa chơi những lúc rảnh rỗi và đến giờ học là phải bỏ đàn và ngồi học nghe ... nó dạ và làm theo đúng như điều kiện của ba, và hình như nó sợ ba lấy lại đàn nên cũng chăm ngoan học nhiều hơn đi chơi.
Đến năm cấp 3 nó bắt đầu mới chịu học hành, nó đi vô hỏi xin sách của các cậu, may răng cậu Hùng nó còn cất giử những cuốn sách ... những cuốn sách đó là của cậu Vinh, cậu mê học lắm, nhưng cái duyên học của cậu chưa được tốt, nên sau này cậu chuyển qua làm nghề sửa tivi ở chợ Khe Sanh. Sách của cậu chuyền từ người này qua người kia, đến khi vô tay nó thì những cuốn sách cũ mềm và có đôi tờ rách nát, nhưng vẫn còn dùng tốt. Sau ni cậu Vinh hay nói vui: Mấy đứa ni chừ có nhớ chi mô, học hành đậu là nhờ sách của Tuấn Vinh này đây ...
Nó âm thầm học tập và rèn luyện, nó xin ba mạ mua cho nó cái đồng hồ báo thức để sáng sáng nó dậy ngồi học, trời Khe Sanh hồi nớ lạnh lắm, 4 giờ sáng mà dậy là lạnh teo, lấy chăn quấn quanh người mà ngồi học ... Bà con xóm giềng thì cứ nghĩ nó mà học chi, mê chơi thôi, hắn cua gái thì hay chơ học hành chi hắn. Có những lần ba nó ngồi nhậu ở ngoài sân, nó ngồi trong này nghe bà con nói chuyện, có câu ni mà nó nhớ mãi, họ nói với ba nó: " Con eng học chi bằng con tui, thằng Hải có bao nhiêu tờ giấy khen? Con tui quá trời giấy khen tề, treo đầy nhà ... " Nó biết ba nó buồn buồn đó, nhưng ba nó biết con mình ra sao, ba nó không tranh cải làm gì ... chỉ cười.
Ba nó làm nghề vẽ và cắt tóc, anh em nhà nó được thừa hưởng cái gen di truyền về hội họa ... không ai dạy mà tự tìm tòi học lấy, mỗi lần ba nó vẽ xong một bức tranh nào đó, nó tự đọc tranh, xem ba nó đang vẽ cái gì và ba nó gửi gắm cái gì qua tranh, những cảm xúc, tâm tư tình cảm của ba nó đưa vô tranh đã là một bài học gián tiếp cho nó lúc nào không hay. Tranh của ba nó thiên về quê hương, rừng núi, con người miền núi cao, hoa và cây kiễng ... ba nó vẽ tranh, vẽ bảng hiệu quảng cáo, các băng rôn cổ động, tranh cổ động cho huyện ... Mỗi lần đi vẽ ba nó cũng hay đưa nó đi theo, ba nó kẻ chữ bằng bút chì rồi nói nó phụ ba vẽ theo, có những lúc nó mỏi tay vẽ lem ra ngoài, mặt nó tái meo, ba nó cười và nói nó lấy khăn rồi nhúng dầu hỏa mà xóa đi. ba nó chưa bao giờ la nó khi nó vẽ sai ... Có những bức tranh ba nó đang vẽ dang dở, ba nó dừng vẽ để đi cắt tóc vì có khách vô, nó tò mò ngồi tập làm họa sĩ, cũng pha màu cũng cầm cây cọ mà vẽ, càng vẽ càng hư nặng ... ba nó cắt tóc cho khách xong vô thấy con mình đang phá tranh, ba chỉ cười và rồi ngồi sửa lại. Có những hôm nó ngồi bên ba và chăm chú xem ba vẽ, rồi màu nào pha với màu nào cho ra màu trời, màu nào pha với màu nào ra cánh đồng lúa chính ... Những lần ba nó vẽ xong và vội đi đâu đó, nó tự động cầm cây cọ và đi rửa cho sạch sơn dầu ... rồi đem để vào cái hộp cọ của ba ...
Thời gian học cấp 3, những lúc đi học thì thôi, về nhà nó lại được ba nó cho vẽ báo tường, hay đồ dùng dạy học của giáo viên ... ban đầu vẽ toàn không đạt, cuối buổi ba nó phải vẽ lại tờ mới. Còn về sau này thì nó đã khá hơn, nó đã vẽ khá mềm và đạt tiêu chuẩn. Mỗi bức nó vẽ được đóm ba sẽ trừ tiền mua tờ giấy khổ A0 ra mấy ngàn đó, còn lại ba đưa tiền cho nó, những sản phẩm nào nó vẽ đều được nhận trọn tiền ... đó cũng là cách mà ba nó khuyến khích nó vẽ. Thành ra cả một thời gian dài nó có tiền tiêu mà không cần xin tiền ba mạ.
Hồi đó, ở Khe Sanh còn lạ lắm với nghề kiến trúc, cũng có đôi lần mấy bác kiến trúc sư ở Đông Hà lên vẽ nhà cho chú Đức và có vô nhà nó uống nước trà ... nghe họ nói chuyện tôi mê lắm, một cái nghề thật hoành tráng ... nó lại bắt đầu tìm hiểu xem nghề đó là làm cái chi? Ba nó biết nó thích vẽ và cũng muốn định hướng cho con học kiến trúc, chứ theo ngành họa sĩ chắc cực nhiều ... Ở Khe Sanh có nhà chú Tranh với O Liễu, nhà O chú rất thân với nhà nó, chú Tranh là khách cắt tóc thường xuyên của ba nó ... chú cũng nghe tôi mê kiến trúc, chú nói với nó: " Khi mô hai con trai chú lên nhà con có chi không biết thì nói hai anh chỉ cho, Thịnh Anh cùng Thịnh em con chú đang học trường kiến trúc đó ..." Chú Tranh rất tự hào về hai con trai của mình, đâu dễ chi mà thời nớ nhà có hai người con cùng đi học đại học, mà lại học nghề kiến trúc nữa chứ. Chú còn nói: " ui chao ui nhưng học cái nghề nớ hắn tốn kém hung, hết mua cấy ni lại cấy kia, nếu con mà đậu trường kiến trúc chắc ba ma con cực lắm đó ..." Nó thầm nghĩ, nhà chú giàu rứa mà chú còn nói như rứa, nhà miềng cực ri học nỗi không đây ?.
Nghỉ hè năm lớp 11, nó được ba cho vô Huế học ôn, nó vừa vô học thì có bạn Diệu, bạn Hoàng Anh cùng các bạn đã thuê một căn nhà cũ ở đường Trương Định và Phạm Hồng Thái ... ngôi nhà thời Pháp khá hoang tàn, phía trước là quán cơm bụi bình dân, phía sau họ cho tụi tôi thuê ở ... Hình như một đứa 100 ngàn trên một tháng. Căn nhà đó rộng thênh thang ... tụi nó ở gần 6 đứa. Nó cùng mấy bạn đăng ký học ôn tại trung tâm ôn thi trên đường Trương Định, trung tâm này khá lớn thời nớ ...
Chỗ ăn chỗ ở xong thì nó lần mò cầm tờ địa chỉ và bản đồ đi tìm nhà eng Thịnh em, hồi nớ eng Thịnh em ở nhà người quen trên đường Trần Cao Vân (đường đó nằm gần bưu điện Huế), eng Thịnh em gặp tui eng rất vui và nhiệt tình, eng nói qua cho tôi những kinh nghiệm đi học vẽ hay ôn thi, rồi nếu đậu vô trường cần làm gì? Nói chuyện một hồi eng Thịnh em hỏi nó: " Răng mi không ở nhà chú Hữu dạy cho, vô đây mần chi? " Nó nói là vô đây học thêm văn hóa và luôn tiện đi học vẽ thêm ý mà. Ngồi một lúc thì eng Thịnh em lấy xe máy chở nó đi qua bên thành nội, vô nhà ông thây Đô và xin đăng ký học vẽ, ngôi nhà nằm sâu sau thành nội, một ông họa sĩ già mở lớp dạy vẽ ôn thi kiến trúc khá nổi tiếng ở Huế ... ông có thân hình ốm ốm, và hình như lúc nào ông cũng ngà ngà say ... Ông họa sĩ gặp nó liền cười và nói: " chà xin đăng ký học à? mà em có thích học vẽ không? tôi vui thì vui mà khó tính lắm, học không đàng hoàng tôi đuổi đó... "
Ngày ngày, cứ buổi sáng nó đi đạp xe qua bên thành nội để học vẽ, buổi chiều thì học mấy môn toán lý hóa ở Trương Định ... học môn hóa vì năm nớ có thi tốt nghiệp, còn kiến trúc chỉ có toán lý cùng vẽ thôi ... Ngày đầu học vẽ, ông thầy chộ nó cầm cây viết chì mà cười, vì tụi học ở đó đa phần chơi cây viết chì màu vàng khè, mà mỗi đứa có tới mấy cây liền, té ra đó là cây viết chì xịn, có ghi độ cứng mềm và lõi to nhỏ khác nhau, hỏi ra giá một cây hơn chục ngàn đồng. Chà cực hung ... ông thầy nói hôm ni tui cho em mần quen, thích chi vẽ đó, mai mua bút chì và cây thước đo đầy đủ tui chỉ tiếp ... Mà công nhận tụi ở nơi ni hắn vẽ đẹp, nét đánh bóng quá đã, tượng thạch cao đúng chất thạch cao ...
Mấy ngày đầu thích lắm ... nhưng sau đó thì nhớ nhà, lần đầu tiên xa nhà đi học mà, ai không nhớ ... có thằng còn khóc hu hu hu như đứa con gái ... Nói thật ra nó cũng nhớ gia đình lắm, nhưng cố nén mà mắt vẫn rơm rớm thôi.
Cái thời tiết ở Huế hắn không như Khe Sanh, trời ơi nóng chi mà nóng lạ ... đi học lại ngồi trong cái phòng chẳng khác chi cái lò mì, một cái phòng nhỏ mà nhét hơn trăm đứa học ... nói thật nếu mắc đái cũng cố nín, chứ chui ra được khỏi lớp chắc cũng đuối ... Thầy giáo đứng ở trên thì cầm cái mít ca rô mà giảng bài ... trên đó thầy cứ một hơi nói và ghi, ở dưới cứ thế đám học sinh cặm cụi ghi ghi chép chép, rồi cầm cái quạt giấy mà quạt cho đợ nóng. Nghe tiếng báo hết giờ cái là vọt chạy về nhà, ừ căn nhà của Pháp ni cũ mà mát lắm, cứ như ngăn tủ lạnh vậy đó.
Nó thấy tình hình học ôn như ri căng quá, vừa nhớ nhà, vừa nóng, lại ăn cơm bụi ôi ngán ... mấy ngày đầu ăn cơm bụi khoái lắm, nhưng càng về sau càng chán, ăn xong dĩa cơm thì tối bụng đói meo, chắc thiếu chất, dĩa cơm 2000 đồng thì lấy gì cho nó ngon. Có nhiều đứa bạn nó đã bỏ về nhà ...
Nó cũng bắt đầu nản với thành phố Huế mộng mơ ... những ngày ở đây học thì ít mà đạp xe đi chơi thì nhiều, đạp xe về biển Thuận An, lên núi, rồi đi thăm các lăng tẩm, đền, chùa ... Mà có phải đi hoài được mô, đạp xe đạp đi hoài cũng ngán. Vậy là chưa đầy một tháng, nó đã ôm đồ về nhà tự học.
Cả nhà biết nó muốn là cho được ấy mà, nên đi cứ đi ba mạ không ngăn cản ... ai dè đúng như rứa, bò vô mấy hôm là về liền à. Nó cũng e ngại vì bỏ về giữa chừng, nó vừa đặt túi áo quần xuống là lôi đống bản vẽ ra khoe với ba nó: " Ba ơi con học vẽ được nhiều cái hay lắm, học được như ri là con về nhà tự học tiếp ba nờ, chứ họ dạy lui dạy tới chừng nớ ... chỉ cần vẽ nhiều là nét mềm thôi ba ơi. " Ba nó xem qua một lượt, rồi xem lại lượt nữa ... ba nó chỉ cười chứ không nói gì? Nó nhìn chằm chằm vô ba nó xem ba nó nói chi không? hi hi hi may sao ba nó không nạt chi hết mà nói: " Ầu nếu rứa ở nhà học cũng được con à ... lấy mấy cái đồ ly bình hay trái cây mà tập vẽ, để ba đi mượn mấy cái tượng thạch cao cho mà vẽ. "
Năm lớp 11 và 12 nó chăm học lắm, ít leo cửa sổ trốn đi chơi với đám nhóc ngoài chỗ máy xay cà phê của ông Châm Miến ... hay những đêm trong xóm có đám cưới ... phòng nó ngủ có cái cửa sổ mở ra vườn, mỗi khi trong xóm có đám cưới và chơi nhạc sống là nó vui lắm. Mà những ngày nghỉ học ba nó chỉ cho đi chơi đúng 9 giờ là phải về ... Nên nhiều đêm nằm xuống rồi mà không ngủ được, nhạc cứ dập dìu như vậy sao mà ngủ đây chứ? Vậy là nó phát hiện ra một đường vượt rào ... chờ cho đến lúc nhà tắt đèn đi ngủ, ba nó dần ngủ say và ngáy nhè nhẹ, nó len lén dậy và leo qua cửa sổ ... lấy miếng giấy chèn lại cho gió khỏi bật cửa ra. Nó đến đám cưới chơi và nhảy nhót ... có lúc còn bay lên hát nữa mới ghê ... nhạc đi đường nhạc hát theo đường hát, kệ vui mà ... nó đi hoài mà chẳng thấy ba mạ phát hiện.
Nhưng từ dạo nó bắt đầu biết nghề kiến trúc là gì và nó đã quyết định thi kiến trúc là nó bỏ hết ... chỉ học hai môn toán lý và vẽ thôi.
Khi nghe tin trường đại học kiến trúc bắt đầu thi vòng sơ khảo, nó bắt đầu lo lắm ... dịp đó ba nó về Đông Hà và có ghé thăm nhà bác Thế Hà, bác là người bạn với ba nó, bác Thế Hà có mở lớp học vẽ ôn thi kiến trúc, đa phần những ai làm nghề kiến trúc sư ở Đông Hà đều luyện vẽ ở chỗ bác. Nghe ba nó nói thằng con trai hắn đi thi kiến trúc, bác Thế Hà nói: " Chà cũng hay đó Hữu à, eng chưa chộ bài hắn vẽ ... nhưng eng hơi lo đó, vì sợ vẽ không đạt thôi, nhiều đứa ở chỗ eng học liền mấy năm đó mà thi hoài mới đậu ... thôi chừ eng đưa chú mấy bài vẽ mẫu, đưa lên trên nớ cho thằng cu hắn xem, năm ni thi không đậu thì sang năm gửi về eng kèm thêm "
Ba nó chia tay bác Thế Hà và cầm theo mấy bài mẫu vẽ tỉnh vật ... ba nó cũng nhắc lại lời bác Hà cho nó nghe, nó cười: dạ ba, con tự tin mà, chắc chắn năm ni con thi đậu đại học kiến trúc năm đầu.
Nó tham khảo bài mẫu của bác Thế Hà và mua trái cây ngoài chợ vô ngồi vẽ, nó vẽ 5 bức và sau đó gửi đi Hà Nội để sơ tuyển ...Nếu ai sơ tuyển đậu thì trường mới cho thi tiếp, những thí sinh ở xa thì không cần phải ra tận Hà Nội thi, có thể gửi bài qua đường bưu điện.
1 tháng sau, nhà trường gọi tôi xuống văn phòng lấy giấy báo của trường kiến trúc ... nó lo lắm, cầm tờ giấy mà tay cứ run run, lên đến lớp nó mới dám mở ra xem kết quả như thế nào ? ... Mở ra xong nó hét toáng lên: Ôi tôi đậu rồi các bạn ơi ... Bạn bè trong lớp tôi ai ai cũng vui lây, các bạn chúc mừng nó đã vượt qua được vòng 1. Các bạn nói với nó: " Cố gắng lên Hải ơi, nghề kiến trúc thi khó lắm đó, bạn phải cố gắng thật nhiều mới mong đạt được ước mơ của mình "
Sự kiện đó càng làm cho cái đam mê thi kiến trúc của nó mạnh hơn, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu: Thằng Hải bày đặt thi kiến trúc, mơ cao có ngay bổ đau thôi ... học như hắn làm chi mà đậu được trường như rứa.
Nó càng học nhiều hơn và kết quả cuối năm thật bất ngờ, nó được xếp hạng học sinh khá giỏi, nó có giấy khen tặng của trường ... ui chao ui mừng hết nậy (lớn). Từ lúc đó nó không còn ghét học toán hay lý nữa ... mà đôi khi những bài toán, những con số đã làm nó nghiện, nó thích giải toán hay học lý lắm ...
Tốt nghiệp 12 nó đạt kết quả cao ngoài mong đợi, nó mừng quá đi ... thi xong 12 bà con lại kéo nhau đi học ôn ... nó lại bị đám bạn kéo theo và nó lại xin ba mạ cho đi học ôn một tháng cấp tốc để thi đại học. Lần này nó vô và ở với nhà trọ chú Đông, chú đang học trường Y Khoa Huế. phòng trọ chú ở đường Điện Biên Phủ. một căn phòng nho nhỏ của mấy vị bác sĩ. Chú Đông hay đưa tôi đi chơi nhà các bạn chú, và giới thiệu thằng cháu năm ni thi kiến trúc ... đi mô hắn cũng khoái vì bà con khen: răng cháu Đông đẹp trai quá đi, mặt sáng thế kia chắc chắn thông minh.
Ở đó được ít hôm thì chú Đức chở bạn Duy vô Huế học ôn, nhà Duy thuộc dạng giàu có nhất nhì Khe Sanh, ba Duy thuê một căn phòng ở khách sạn Hoa Hồng, nằm ở đường Trương Định, đối diện với trung tâm luyện thi đại học ... chú Đức nhắn tôi về khách sạn để đi ăn cơm trưa tại quán Âm Phủ Huế ... Hic hồi nớ vô nhà hàng ăn như kiểu mình lạc vô một thế giới khác, quán ăn này khá nổi tiếng ở Huế, Ăn cơm âm phủ ngủ thiên đường ... một bên quán ăn âm phủ là khách sạn thiên đường. Ăn xong chú Đức nói: Cháu Hải về ở chung phòng khách sạn với Duy nhé, anh em ở với nhau cho vui. Duy với nó rất thân với nhau, hai đứa học chung lớp, gia đình lại thân nhau từ xưa. Gia đinh Duy theo đạo thiên Chúa, hồi đó ông nội tôi được ông bà nội Duy nhận làm cha mẹ đở đầu trong đạo ...
Tôi dọn về ở cùng phòng với Duy ... chà đi học ôn mà ở khách sạn như ri thì còn gì bằng? không khác gì một cậu ấm con của đại gia.
Duy năm đó đăng ký thi trường đại học y khoa Huế ... Duy là một đứa học giỏi, chăm ngoan, rất hiền lành. Nhà thì giàu có nhưng không ăn chơi như những đứa con nhà giàu khác. Duy biết nó ngại khi ở chung khách sạn, Duy cười: " có chi mô mà ngại, bạn bè ở với chắc cho bui, chơ tau ở một mình buồn lắm ... để tau gọi thằng Trung con O Để tới ở cùng luôn, ba thằng ở nhé ... " Cái khách sạn nó và Duy ở là của ông chủ đam mê đá banh, hình như ông nằm trong ban bóng đá Huế, ông có đứa con trai tên Hạnh hồi nớ là thủ môn dự bị cho đội tuyển Huế, họ biết Duy thích đá banh, nên mới nói Duy muốn tập thì vô sân mà tập, họ sẻ giới thiệu ... Rứa là chiều chiều Duy cùng tôi hay vô sân banh chơi ...Tôi và Duy có nhiều cái quý nhau, và đôi lúc không cần nói nhưng bạn bè đã hiểu nhau ... Mà có cái lạ, cô nào tôi thích Duy cũng thích ... và đó là cái hậu quả của một lá thư mà tôi cho là tào lao, khi tự dưng viết cho nàng và nói: "tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài, ai ngờ giếng cạn tiếc hoài công dây" cô nàng hàng xóm chẳng biết lý do gì khi Nó trả lại những dòng chữ nàng viết, những món quà nàng trao ... và lánh mặt luôn từ đó ... một cô gái mà nó nghĩ nó đã yêu, một mối tình đầu ...
Rồi ngày thi đã đến, năm đó nó thi hai trường, kiến trúc Hà Nội và kiến trúc Sài Gòn ... Sáng đi thi chú Đức chở nó đi thi bằng xe ô tô ... nó thật oai hùng ... địa điểm thi của nó ở trường đại học sư phạm. Ngày đầu là thi toán và lý, hôm thứ hai là thi vẽ cùng đề phụ ... đề vẽ năm đó là vẽ tỉnh vật, một miếng dưa hấu, một chùm nho, ly nước và các mẫu đặt trên cái dĩa nhựa ... vừa vô phòng nó chọn vị trí đẹp nhất để ngồi. Nó vô cái là tập trung vẽ, nó tự nhận ra, cái miếng dưa hấu là đậm nhất, đến chùm nho và cái ly là nhạt nhất ... và nó cặm cụi vẽ ... nó vẽ xong trước thời gian và nộp bài ra về. Ra cổng ba chạy đến hỏi sao rồi con? Nó tự tin trả lời: dạ con vẽ tốt, con đậu chắc chắn ba à ... thôi con không đi Sài Gòn thi nữa ba ơi, tốn tiền lắm. Nhưng vé tàu đã mua rồi ... ba nó nói con cứ đi đi, coi như đi du lịch thôi, năm đầu ba cho con thử sức, con đừng nặng nề tâm lý. Ba nó thật tuyệt về điều đó, không gây sức ép cho nó bắt buộc phải đậu này kia.
Ba nó dẫn nó ghé vô công viên uống ly nước mía, để cho nó ngồi thở ... nó ngồi một lúc và hỏi, ba có biết Duy thi ra răng không ba? Ba nói ba cũng không biết nơi, để tối về coi ra răng ...
Trước hôm Duy đi thi đại học thì Duy bị nôn ói nặng, Duy bị căng thẳng thần kinh, nó thật thương bạn.
Sau những ngày thi đại học là những lo lắng trong nó, trường kiến trúc của nó sao mà báo điểm muộn quá vậy? Nó đã đi ăn tiệc mừng đậu đại học của bao nhiêu đứa rồi, sao giấy báo đậu hay rớt của nó hoài mà không thấy ... Nhìn những đứa đậu vui mừng làm nó càng lo lắng hơn. Ngày ngày nó xin mạ nó ít ngàn để lên bưu điện điện hỏi tin tức. Và rồi cái ngày hạnh phúc cũng đến với nó: Bên kia là phòng đào tạo, một người phụ nữ hỏi nó thông tin, số báo danh để kiểm tra giúp ... đọc xong nó chờ đợi và hồi hộp, tim cứ đập liên hồi. Một lúc sau thì bên kia giọng phụ nữ cầm máy lên: Xin chúc mừng em, em đã trúng tuyển vào trường kiến trúc Hà Nội ...
Lúc đầu nó có ý nghĩ, nếu nó trúng tuyển đậu đại học nó sẻ photo tờ giấy báo kết quả và rãi khắp thị trấn cho mọi người cùng biết, và để chứng tỏ nó không phải là đứa ăn chơi. Nó dập máy thật mạnh đến nổi cô trực bưu điện hỏi: Sao dập máy mạnh thế? Nó trả lời dạ tui đậu đại học kiến trúc rồi ... Ôi thật hạnh phúc khi ước mơ của mình trở thành hiện thực. Nó chạy thẳng về nhà để khoe với ba mạ. Nhưng ba mạ nó đã nhận được giấy báo trong khi nó lên bưu điện hỏi.
Nghe mạ nó kể lại: Ba mi lúc nhận được giấy báo tay cứ run lên, xé đọc xong giấy báo mà mắt ba mi đã nhoè đi vì nước mắt. Tôi còn nhìn thấy trên bàn thờ ba nén nhang đang cháy.
Nó lại chạy vô nhà ông bà để báo tin vui, nhưng có lẽ cả Khe Sanh đã biết tin rồi ... bàn thờ nhà ông cũng vậy, chắc là ông bà thắp nhang báo với tổ tiên là cháu mình đã thi đậu đại học. Mệ vuốt tóc nó với ánh mắt tự hào và hạnh phúc: Cháu mệ giỏi quá, ông với mệ đang định ra nhà cháu.
Nó lại chào ông bà nội để chạy sang nhà ông mệ ngoại báo tin. Ông mệ ngoại nó vui lắm, niềm vui đầu tiên là cậu út nó đậu đại học Y khoa Hà Nội và giờ là thằng cháu ngoại. Cậu Hùng nó lúc đó nghĩ hè nên đang ở nhà ... cậu kéo nó ra quán ngồi làm mấy chai bia chúc mừng ... ai ai ở quán đó cũng chạy tới chúc mừng nó. Ôi hạnh phúc quá, cứ như hôm đó nó là trung tâm của miền núi cao vậy.
Ngay tối đó ba mạ nó đã làm tiệc và bà con đến rất đông để chúc mừng nó cùng gia đình ... Bà con nói: 5 năm đại học thì phải uống 5 ly liên tục cho thông đường, và ly không được đặt xuống chiếu. Hôm đó nó được gia đình đặc cách cho ngồi uống rượu với người lớn. Hôm đó bà con rất vui mừng và đã đến chia sẻ cùng gia đình nó ... bà con cứ chúc nó học thật tốt để ra trường cho thoát cảnh nghèo khó.
Bà con còn nói câu vui: Không đậu đại học thì mi chết với tau, đậu đại học thì tau chết với mi rồi con ơi ...
PS: Sau 1975 ông mệ nó đã bồng bế nhau lên Khe Sanh làm kinh tế mới, từ cái ngày mà hươu nai còn chưa biết sợ con người ... con muỗi có thể đốt gây sốt rét và chết ... một vùng đất máu đỏ ... Nói là đi kinh tế mới nhưng thực ra đó là đi cải tạo, những người lính của chế độ cũ phải bỏ quê bỏ làng mà lên đây. Giờ đây một cái mầm chồi đã được nở hoa ... chỉ đi học mới thoát nghèo khó ... Bao nhiêu năm vất vả, mồ hôi và nước mắt đổ xuống đây, chỉ mong được ngày hôm ni ... tôi thật tự hào ... ba mạ hay ông mệ tôi cũng vậy.
Sài Gòn 30/12/2012
Đinh Thanh Hải
Còn tiếp ...
Nó xa quê ăn học (phần 3)
Nhận xét
Đăng nhận xét