Nó đi về miền tuổi thơ
Khe Sanh - Miền núi cao của nó
Khe Sanh là một miền núi cao của huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Địa
hình ở Khe Sanh có độ cao từ 350 đến 500 m so với mực nước biển - Nên
khí hậu trong lành, một ngày có tới 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông, quanh năm
phải đắp chăn để ngủ, vì đêm về khí trời rất lạnh. Nơi
đây rừng núi bạt ngàn, một màu xanh vươn lên từ đất đỏ bazan. Những cây
cổ thụ vươn ngọn lên cao vút, thân cây thì ôm đến ba bốn vòng tay người.
Những thác nước trút xuống những thung lũng, tạo nên khe nước trong
xanh và mang theo bùn non màu mỡ. Người dân lại đi khai hoang làm
ruộng,cây lúa lên xanh tốt, hạt chắc mà chẳng cần phân bón. Người dân
quê hương Triệu Độ lại có đất để làm ruộng lúa như ở dưới quê xưa.
Khe
Sanh ngày ấy nằm mãi trong ký ức tôi, những ngày thơ trốn ba mạ đi vô
rừng theo đám trẻ chăn trâu, mót củi. Trời lạnh bọn nhóc thường đốt đống
lửa sưởi ấm, rồi tu xì xem ai thua thì đi nhổ trộm sắn, đem về nướng
ăn. Củ sắn vừa chín thì bẻ ra chia nhau, vừa ăn vừa thổi. Miệng cười
tươi mà mặt mũi - răng môi dính đầy lọ nghẹ của than củi, đen xì. Trời
lạnh, ăn sắn nướng nữa thì ui chu choa thích, nên nó thường hay trốn ba
mạ để đi chơi là rứa. Chăn trâu quá ư là vui, thiệt đúng như câu thơ: " Ai
bảo chăn trâu là khổ / Chăn trâu sướng lắm chứ ! / Ngồi mình trâu, phất
ngọn cờ lau / Và miệng hát nghêu ngao / Vui thú không quên học đâu /
Nằm đồi non gió mát / Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo / Em đánh vần
thật mau..."
Chăn trâu - Hình internet
Hồi
đó Khe Sanh vào mùa đông sao mà rét buốt, cơn gió thổi ùa qua làm thân
co cúm lại, hai hàm răng đập vào nhau thành tiếng, hơi thở toàn ra khói
sương. mặt thì nám háp do gió lạnh làm khô - nhất là những con gió heo
may, mũi thì nước chảy lòng thòng, lấy vạt áo quẹt quẹt lau lau, trong
mặt như con mèo. Thời tiết lúc đó lạnh do khí hậu hay do nghèo nên áo
quần chưa đủ làm ấm cơ thể ?
Mỗi khi đời thực nó buồn
phiền, hay cô độc. Nó lại lần tìm về những trang tuổi thơ, một cái thời
nhẹ nhàng, chăng suy nghĩ gì nhiều ngoài đi học và đi chơi. Lần tìm về
xong ta muốn ở lại đó mãi, chẳng muốn rời đi ... Ôi thật tuyệt vời cái
lứa tuổi còn xanh non.
Nhà của nó nằm tuốt ngoài đường,
do ba nó làm nghề cắt tóc và vẽ. Mạ nó thì buôn bán hàng hóa. Căn nhà
nó trở thành cái nơi mà bà con quê đi buôn thường ghé lại, hay những
chuyến xe qua Lào về cũng dừng chân đổi hàng, nghỉ ngơi đôi chốc lại lên
đường. Nó thường hay được các O, các dì cho bánh kẹo, hay những món đồ
chơi thật lạ và chưa ai có, nó đi khoe cùng đám trẻ trong xóm. Ánh mặt
của mấy nhóc thèm ghen tỵ, răng hắn có nhiều đồ chơi như rứa ...
Rồi
những buổi vô rừng, bắt gặp tổ ong, nó cùng đám bạn lại lấy cây thọc
phá, hoặc lấy đá ném cho tổ rơi xuống đất. Có khi cả đám bị ong cắn sưng
lên thành cục to, nhưng vui mà, sợ gì chứ. Khi ném chiếc tổ ong rơi
xuống cả bọn nhào tới nhặt từng miếng lên, rồi lấy những con nhộng ong
cho vào miệng ăn. Lúc đầu nó hơi sợ và không dám ăn, nhưng thấy mọi
người ăn ngon lành nên cũng thử. Con nhọng còn sống và cho vào miệng cắn
một phát, ôi nó ngọt và ngon đến lạ, cùng cái cảm giác rờn rờn khi nhai
một con vật còn sống. Nhộng ong có thể ăn sống, nếu nhiều quá thì ta
đem về nhà rồi bỏ dầu vô chảo và chiên, bỏ thêm ít muối và mì chính … ta
nói mùi nó bay ra làm nước miếng tứa ra.
Tổ ong tự nhiên - hình internet
Ong
rừng quê nó nhiều lắm, bà con mỗi khi rảnh rỗi thường kéo nhau vô rừng
tìm mật ong, nhóm đi khoảng vài người. Hồi đó, nhà ông ngoại nó có các
cậu hay đi lấy mật ong, nó đi theo vui lắm. Các cậu lấy áo ni lông trùm
lên người, che kín đầu, chỉ trừa hai con mắt lại thôi. Rồi lấy một nhành
cây dài, buộc phía đầu là miếng vải có thấm dầu hỏa, đốt lửa cho khói
bay ra để xua đàn ong bay đi, bầy ong bị khói cay nên bay tỏa ra theo
chiều gió xuôi. Chờ ong bay đi gần hết, cậu nó leo lên để đem tổ ong
xuống. Ôi từng miếng sáp đầy mật ong, chúng ngập trong những lỗ hình lục
giác … xếp đều đặn thật đẹp mắt, đúng là người ta ví con ông làm tổ như
những vị kiến trúc sư thiết kế nhà.
Mật ong màu
vàng lóng lánh thật đẹp, lấy tay chọc vào mật ong và đưa lên miệng mút,
nó ngọt thanh. Lấy mật rồi thì ngồi lấy ra từng con nhộng, có con
trắng như sữa, ăn đôi chục con là no ngậy, dinh dưỡng rất nhiều. Một tổ
ong bự có nhiều nhộng con lắm, đem về để chiên lên ăn với cơm là tuyệt
cú mèo. Mật ong nó đặc lấy chiếc đũa nhúng vào và kéo lên thì nó chảy
liền tù, chứ không đứt quãng, mật không bao giờ kết tinh. Đây cũng là
một cách đơn giãn để phân biệt mật ong thật hay giả. Cách thứ hai đó là
lấy mật ong đổ vào ly nước ấm, nếu mật ong tan ra thì đó là mật ong giả,
còn mật ong thật là nó dính thành lại với nhau thành khối nhỏ và chìm
xuống đáy ly. Cách thứ ba là lấy cọng hành tươi nhúng vào mật ong, nếu
cọng hành héo thì đó là mật ong thật …
Nhà ông ngoại
của nó có khu vườn rất rộng, lại nằm kế bên khu rừng thông, ong về vườn
hoa nhà ngoại nhiều lắm. Ông ngoại tìm tòi đọc sách hướng dẫn nuôi ong. rồi ngoại làm tổ bằng những thùng gỗ, đặt sau vườn. Những ngày rảnh rỗi thì ông cùng các cậu đi
tìm ong trong rừng, bắt những con ong chúa về. Một tổ ong chỉ có một con ong chúa,
nó đẻ cả mấy trăm trứng trong một ngày. Để nuôi ong lấy mật cũng phải có
nhiều kinh nghiệm, đặt thùng cho tổ ong ở đâu, chiều cao, vị trí, 4
chân phải có 4 lon nước cho kiến không leo lên, cách chia đàn ong sao
cho tự nhiên.
Nó lại miên man vào tổ ong và mật ong mất
tiêu rồi … Ừ nhiều khi ta chọc vào một ký ức nào đó, tự dưng nó tuôn
trào ra như mạch nước nguồn chảy ra.
Mỗi lần nó tự
mua cho mình chiếc vé trở về với quá khứ, tự nhiên khi quay về hiện
thực nó thoải mái vô cùng, cảm thấy nhẹ nhõm, bước chân thênh thang hơn
trên đường đời đầy những u buồn, đau khổ.
Vì sao nó hay
viết: Vì nó luôn muốn lưu giữ lại những gì mà nó đã trải qua, nó không
muốn thời gian làm xóa nhòa trong ký ức của nó về quê hương, gia đình,
người thân, bạn bè ...
Sài Gòn19-12-2014
Kts. Đinh Thanh Hải
...................
- Những bài viết lan man của Nó: https://www.facebook.com/notes/dinh-thanh-hai/nh%E1%BB%AFng-b%C3%A0i-vi%E1%BA%BFt-lan-man-c%E1%BB%A7a-n%C3%B3/842295335781508
Nhận xét
Đăng nhận xét