Con Sông Quê Tôi

Bến đò Lập Thạch, bên kia là làng An Giạ - Họa sĩ Đinh Giao Hữu 

Cu ơi, vô mặc đồ để đi về làng ...

Ôi nghe về làng là Nó sướng lắm, ở côi rú, côi động thèm lắm ngồi trên con đò đi trên sông, hôm mô về sớm thì đi đò dọc, xuống chợ Đông Hà, băng qua mấy hàng cá, mắm mới đến bến đò, ta nói cái mùi của cái chợ ni nhớ mãi không bao giờ quên, mùi của mắm kết hợp với mùi nước lợ thật khó tả. Len lỏi qua lối đi giữa hai gian hàng ta mon men ra bến đò, những con đò nhỏ nằm bên bến chờ đủ khách để đi, tiếng nói râm ran cả một đoạn sông nhỏ. Nước nguồn của sông Hiếu ni từ trên Cam lộ chảy về, rồi phụ lưu là sông Thạch Hãn.

Chiếc đò dọc có máy nổ, tròng trành đưa mọi người hướng về mạn Triệu Độ, nơi có Ngã ba sông Gia Độ là ngôi làng An Giạ của Nó,  ngồi trên đò nhìn cảnh hai bên đẹp lắm, lướt chậm qua những làng mạc, miếu thờ ngói đỏ, lũy tre xanh thắm, mắt ta ghi lại những hình ảnh thân thương, trìu mến ... Đi đò có những chuyến gặp nước cạn, bà con phải xuống thuyền và phụ đẩy đò đi, lấy tay chọc xuống nước sông và đưa lên miệng nếm, một vị lờ lợ chứ không ngọt như nước ở Khe Sanh.

" Con sông nhỏ một thời tắm mát ơ .....
Nơi mối tình đầu tôi đã đánh rơi
Nay chốn quê người thương nhớ khôn nguôi
Sông Thạch Hãn muôn đời vẫn chảy
Như nghĩa tình tôi với quê hương ... "
(Thơ Tạ Nghi Lễ)

Những lúc chưa biết bơi, cứ đứng trong cạn mà quẫy bùn với cát, chộ mọi người bơi lội mà Nó phát thèm, ước chi mình biết bơi như họ, thỏa chị bơi ra ngoài xa. Có lần đi tắm với con dì Cháu, Nó lần lần răng không biết bị sụp xuống cái hố nhỏ, nước ngập đầu luôn. Vùng vẫy một lúc và uống nước no bụng, thì chị Diễm tới kéo Nó vô bờ ... cà đám trẻ một vố cười đã đời, và la ó: "Ôi thằng côi rú, thằng côi rú ... dzận nước hắn đi bây ơi. " Có đứa còn tỏ ra quan tâm, tới nói nhỏ vào lỗ tai: "ê, muốn biết bơi dzệ lắm, mi bắt con chuồn chuồn rồi bôi ớt vô mắt hắn, sau đỏ đưa vô lỗ tún, chuồn chuồn cắn phát là biết bơi à, hồi xưa tau cũng mần rứa nên chừ bơi ngon luôn đó chơ rờ". May sao Nó không nghe lời, chứ không là bị lừa ngoạn mục. Sau đó trở về Khe Sanh, nó quyết chị vào hồ tập bơi ... bị chọc thằng mọi tức lắm.

Con sông quê - Ảnh Đinh Giao Hữu 

Ê ... bà con ơi, hai thằng cu mô hắn bơi đò ra trữa sông tề ...

Bà con bơi ra và kéo đò vô, chộ Nó ngồi trên đò rứa là mắng: Trọ mạ mi chơ, ở côi rú có biết bơi không mà cả gan bơi đò ra trữa sông? Hắn mà lặn đò cấy là con ma rà bắt đi luôn chơ đừng có mà tưởng nghe.

Làng An Giạ quê Nó nơi có bến đò ngang, bà con cả xã Triệu Độ đều qua về nơi ni, bến sông bên tê là làng Lập Thạch, con sông mỗi ngày một rộng ra vì bên lỡ bên bồi, rồi luồng nước chảy nó mở rộng sông ra ... ở giữa có cồn của làng Côn Rùng mà bà con thường trồng dưa hấu, dưa nơi ni ngọt lắm, đám học trò côi thị xã Đông Hà thường trốn học kéo về đây, mua có mà trộm cũng có. Đám trẻ và người làng An Giạ thường tắm ở khúc sông ni, Nó hay đu cây chuối hay cái bon rượu để bơi qua cồn.

Bến đò bên ni và bên nớ cũng y như Khe Sanh với Tân Hợp, ỷ con đường "huyết mạch" nên đám trẻ trâu cùng thanh niên hay đánh nhau. Biết bao nhiêu vụ bên ni qua bên nớ là bị chận đường hù dọa, đánh đập. Rứa đó mà trai làng An Giạ không hề sợ, uýnh trả tới bến, có khi lơ luôn đi đàng đó, thậm chí về Bồ Bản học luôn, không thèm lên Đông Hà.

 Làng tôi An Giạ, Triệu Độ, Triệu Phong, Quảng Trị

- Ê cu, mi về khi mô ?
- Dạ mới xuống bến đò, gặp mấy đứa em Huế con chú Đồi em, Dưỡng con chú Chất ... kéo vô quán mụ Hường ngồi nhậu một tăng, chừ mới cho vô đây.
- Ừ, ngồi đây với dượng mần đôi ly ...

Nhạc bắt đầu nổi lên, giọng MC bắt đầu oang oang: Kính thưa bà con, đã đến giờ giao lưu ca nhạc mừng đôi trai gái ngày mai nên vợ thành chồng, các bạn trẻ đang còn ở bên ngoài hôn trường xin mời vào bên trong, nâng chén rượu mừng vui và hát hò ...

  - Mang chai rượu ra thêm coi ... lấy cái chai có chữ phúc đó
- Ê, mi tầm bậy, chai ni để đèng mai sáng đi họ
- Họ cái con C... chi hèo, ĐM đưa ra uống đi
- Ê, ăn nói kỳ rứa, mi chửi ông tau á ???

  Thế là cuộc chiến xảy ra, đám làng Lập Thạch khoảng 6 đứa bị một trận no đòn, đứa thì bị lôi ra ngoài bàu dận nước với bùn, đứa thì bị đập hội đồng. Bà con đánh thấy thương, chắc vì giận lâu ni bị bọn làng bên ăn hiếp, thanh niên đập trong đêm tối nên cứ rứa mà đánh cho một trận.

  Sau hôm đó, những cô cậu đi học đàng lên Đông Hà bị hù dọa ghê gớm lắm, co cu Hùng Chọi nghe mô bị đập một trận nặng lắm. Người lớn thì mô ra chuyện nớ, toàn trẻ trâu ngứa tay ngứa chân, mần vô đôi xị rượu là nổi máu trai làng, càng đánh giỏi thì càng oai.

  - Ê nghe tin chi chưa?
- Vụ chi rứa?
- Con gái của ông Sắt lái đò với ca sĩ Bảo Yến gả sang Lập Thạch đó, như kiểu công chúa Huyền Trân gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân đó, để mang lại hòa bình cho hai làng.
- Ui rứa thì hay hung cùng tợn rồi, đã đời eng hi.

  Dòng sông ngày ấy vẫn còn đó, nước lúc lớn lúc ròng, có lúc bên ni lỡ thì bên tê bồi, rồi đôi chục năm lại đổi. Sông vẫn thế, đời vẫn trôi, con đò ngang nay không còn nữa, bến đò cây cỏ đã bịt kín đường ... bà con giờ chỉ qua sông bằng chiếc cầu phao, lắc lư tròng trành theo con gió. 
  
Sài Gòn 12-04-2016
Kts. Đinh Thanh Hải

Nhận xét

Bài đăng phổ biến