Mê tín dị đoan đến bao giờ mới thức tỉnh
Nó không bao giờ bận tâm ngày tốt xấu, năm tuổi, tam tai, thứ 6 ngày 13 (ngày Nó chào đời), tháng cô hồn ... Quan niệm sống chết là chuyện đi về, thế gian là trò dâu bể. Nhiều khi thấy bà con ta tin đến mê muội, lo sợ đến mất ăn mất ngủ. Sáng thức giấc mà trong đầu nghĩ nay ngày xấu, chạy xe thế nào cũng va quẹt, làm việc dễ mắc lỗi vì đầu ta suy nghĩ không thông suốt, lại mất thời gian đi cầu khấn thần linh phù hộ.
Ngày xưa, mỗi lần vua đi đâu đều chọn ngày tốt, ngày 5, 14, 23 là cực tốt, cộng chúng lại là trực sinh 5 - 1+4 - 2+3. Nhưng với dân lại xấu vì ra đường ngày đó gặp vua dễ bị chém chết, rứa là ông bà dạy con cháu "“Mùng năm, mười bốn, hai ba, đi chơi cũng thiệt huống là đi buôn". Ngày xấu thì tại sao vua lại vi hành? 3 ngày đó trực sinh đẹp tuyệt vời mà.
Chuyện đốt vàng mả cũng từ Tàu mà ra, xưa mỗi khi vua chết thì cung tần mỹ nữ giết hết, vàng bạc châu báu chôn theo vua. Sau này trình độ nhận thức phát triển, thấy như vậy ác quá và phí của cải, nên mới tạo ra vàng mả, hình nhân để đốt thay cho giết người và chôn của cải. Đó là hình thức tượng trưng cho mỗi lần ma chay, cúng giỗ. Sau này do nhu cầu nên sinh ra nào là tiền đô la, nhà lầu, xe hơi...
Hôm nay, vừa đọc bài về tháng cô hồn cũng đúng, tháng tốt mà bị hoá ra tháng xui, tháng ma quỷ. Bài viết của tác giả Quỳnh Chi chia sẻ: "Theo sách “Thiên nguyên ngũ ca” của Đại Hồng, Vương đế cổ đại khi qua đời thường lui lại đến tháng 7 mới cho an táng, vì tháng 7 là tháng thân – tháng “thượng đắc thiên thời, hạ đắc địa lợi”. Điều này cho thấy tháng 7 là tháng may mắn, không hề có ý nghĩa đen đủi. Trong sách “Hoàng Thiệu Niên Dân” có ghi chép, vào cuối đời nhà Nguyên đầu đời nhà Minh, quân sư Lưu Bá Ôn đã hiến kế cho đức vua, cho người loan tin trong dân rằng “tháng 7 là tháng ma quỷ trời sẽ gieo thảm họa xuống trần gian”. Chu Nguyên Chương vốn mê tín nên đã dùng cách này để mị dân để dân chúng không được hưởng những ngày tháng may mắn cùng hoàng tộc. Trịnh Thành Công sau khi đến Đài Loan đã mang tập tục tháng 7 ma quỷ theo cùng, dân chúng vì thế đã bị lừa gạt hơn 400 năm qua. Mặc dù quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn chưa hoàn toàn đúng nhưng Trung nguyên phổ độ (ngày 15 tháng 7) – Lễ Vu Lan thì hoàn toàn là thật. Ngày lễ Vu Lan do Lương Vũ Đế lập ra, gắn với câu chuyện Mục Liên cứu mẹ trong kinh điển Phật giáo, là điển cố báo hiếu cha mẹ của lễ Trung nguyên. "
Tại sao ta phải lệ thuộc vào những ngày tốt xấu, lo sợ tháng này cô hồn nên chỉ ở nhà ăn chơi, không dám làm ăn buôn bán. Nhiều gia đình rất nghèo, suốt ngay đi tìm thầy về dương sao, giải hạn, cầu lộc cầu tài. Tiền thì theo thầy cúng ra đi, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Nhiều người thì thuê xe, ngược đường cả ngàn cây số để đến những nơi "thiêng liêng" xin vay mượn "ngài" tiền, rồi năm sau cũng lặn lội đi trả tiền cho thánh "ngài". Mỗi mùa lễ hội, nhìn mọi người chen lấn nhau, có khi đánh nhau xịt máu để lấy được cái lộc. Phóng uế bừa bãi, nói tục và ồn ào nơi mà người ta đang coi đó là "chốn tiên bồng" đang ở. Tâm đen vậy thì thánh thần nào ban phước cho?
Mọi thứ từ tâm ta mà ra cả, ta sống tốt thì chẳng gì phải sợ ai bám, ai hại. Chỉ những kẻ xấu xa, mang nhiều tội lỗi mới sợ bị "báo oán", tâm bất an vì bàn tay nhúng chàm nhiều điều sai quấy. Khi tâm bất an thì ăn không ngon, ngủ không yên, ngồi trên đống vàng bạc mà như trên đống lửa. Và khi đã như thế thì có sám hối, lạy lục cúc bái cũng chẳng ai rửa tội cho quý vị!
Ở nước ta, đa phân đều bị ảnh hưởng bỡi văn hoá bên Tàu, 1000 năm đô hộ cơ mà, từ cách sống, ăn ở, thờ cúng, ma chay. Bà con cứ hô hào tẩy chay hàng Tàu, nhưng cái sâu xa liệu ta có tẩy chay được văn hoá tàu không? E là khó đó ạ, nằm trong máu rồi. Nhang khói thắp lên để thể hiện lòng thành của con cháu nhớ tổ tiên, đấng sinh thành, chứ không phải cầu danh lợi hay xua đuổi tà ma ác quỷ, ta sống tốt thì ai mà bắt ta được chứ? (Theo thuyết mê tín dị đoan)
Sài Gòn 09/08/2016
Kts. Đinh Thanh Hải
Nhận xét
Đăng nhận xét