Sợi Bún Trong - Truyện ngắn

.
Không biết gia đình O Hạnh làm bún đã bao lâu rồi, từ khi mạ O về làm dâu thì đã quần quật với nghề mưu sinh của nhà chồng, rồi đến O được tiếp nối... Một nghề vất vả nặng nhọc, những trưa hè oi bức, mồ hôi ướt đầm đề chiếc áo nâu bạc. Cả mấy thúng gạo đem đi vo sạch rồi ngâm nước cho mềm, muốn bún trắng thì phải vo gạo thật kỹ, vo nhiều thì bún sẽ trắng. Sau đó đem ra cái cối đá hì hục xay, một tay quay cối, một tay bỏ gạo với nước, từng giọt mồ hôi chảy ướt đẩm khuôn mặt của cô gái tuổi xuân thì, cầm cái khăn quẹt nhẹ rồi xay tiếp... Say cả tiếng đồng hồ mới xong, lại hì hục đem ngâm vào từng thùng để lên chua. Từng công đoạn một O làm thuần thục, từ lúc lên 10 đã phụ ba mạ rồi, không ai dạy mà O thấy răng làm rứa... ngâm xong thì đem bột nước đổ vào bao vải chờ cho ráo, vo thành cục tròn như trái dừa rồi bỏ vào nồi luộc, sau đó đem ra đánh cho nhuyễn, bỏ vào khuôn ép thành sợi, rồi lại luộc, xong thì vớt ra và rửa bằng nước lạnh. Những sợi bún màu đục lại đưa ra chợ, quán hàng... đời cơm áo gạo tiền đâu phải dễ, oằn mình mới đủ cái ăn với mặc.
.
- O ơi, quán sá với nhà hàng họ chê bún O đục quá, lại chua chua
- Bún nhà tui làm sạch, và phải chua mới là bún O nờ... mần trắng thì dzệ và mất mùi mô khó, nhưng "thất đức" rứa răng tui mần. Nhà tui chỉ làm gạo không, còn nơi khác họ bỏ bột năng, bột lọc nữa đọ... Còn muốn trắng và giữ lâu thì phải dùng hóa chất, có người méc cho tui nì: " Cho các chất phụ gia được sử dụng trong bún có huỳnh quang được gọi là Tinopal để sợi bún sáng, trong, nhìn ngon hơn" Nhưng chất này lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người O nờ. Chưa kể họ dùng hàn the cho sợi bún trở nên giòn, không nát... ăn nhiều thì nát thận, rối loạn tiêu hóa.
- O nói cứ như chuyên gia, nhà nghiên cứu hi?
- Bây chừ vì tiền, cấy chi họ cũng làm hết, chẳng còn tính người.
.

Cối đá xay gạo bằng tay.
.
Vì cái tâm nên bún nhà O Hạnh vẫn làm theo kiểu truyền thống, xưa bún chỉ ăn ngon trong vòng 20 tiếng đồng hồ, nay nhờ tủ lạnh nên thời gian bảo quản được lâu hơn. Mỗi lần đi lên Sài Gòn, O chộ dĩa bún là biết chất lượng ra sao, an toàn thực phẩm hay không? Bệnh nghề nghiệp ấy mà, con mắt nghề nhìn bao nhiêu năm đã thành "quen". Bữa tiệc đang vui thì Hòa nhân viên của Tuấn cầm dĩa bún và quát nhân viên phục vụ.
- Ê phục vụ, sao mang bún cũ ôi thiu ra cho khách như này!
- Dạ bún quán em mới mua về đó anh ạ!
- Cô còn cải à? Bún mới sao có mùi chua?
- Dạ em xin lỗi anh, em đi đổi ngay...
Cô gái cầm dĩa bún đem bỏ vào ngăn đá của tủ lạnh chừng 5 phút, xong bỏ qua dĩa mới và mang vào cho khách, cái mùi lúc nãy biến mất tiêu, sợi bún săn chắc lại... khách hàng vui vẻ gật đầu hài lòng. O Hạnh ngồi im lặng theo dõi từ đầu đến cuối và chỉ mĩm cười, trong đầu khen tặng cô gái quá thông minh... Mọi người vui vẻ trở lại, bữa tiệc tất niên lại rộn vang những lời thăm hỏi, chúc phúc nhau năm mới làm ăn phát đạt, tài lộc đầy nhà...
- Mạ ơi, con múc bún với lẩu cho mạ nghe
- Tuấn ơi, Mạ không ăn bún ni mô con... 
.
O Hạnh quay qua đứa nhân viên của con trai và nói: Cháu à, nhà O mần bún cả mấy đời ni, để có dĩa bún như này là bao nhiêu công sức, mồ hôi và nước mắt... kiếm đồng tiền khó lắm cháu à, quê cực hơn phố thị như của cháu. Gia đình O tiện tặn, bóp bụng ăn ít lại, mặc áo quần cũ không sao, gom tiền lại cho con trai O ăn học, may sao giờ mở được công ty làm ăn khấm khá... hắn bắt O bỏ nghề mần bún, nhưng O quen rồi, vẫn làm thủ công như ông bà nội Tuấn xưa vẫn làm. Đừng nạt nhân viên mà tội nghiệp, mấy đứa hắn cũng vì kiếm tiền nuôi cuộc sống, cực khổ và đôi khi nhục lắm cháu à... khách hàng chửi bới thậm chí xúc phạm, chưa kể say vào lại sờ mó khắp người. Hãy thương họ cháu nhé!
- Dạ, cháu... cháu...
- Cứ coi những đứa phục vụ ni là em út hay người thân của mình, nếu không may bị chửi vậy thì hỏi có buồn không? Ông bà dạy: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời" cháu ạ!
.
Mọi người trong bữa tiệc tất niên của công ty đều im lặng, không gian chùng xuống. Dừng một lúc O Hạnh lại nói tiếp: Nhân đây O chỉ cho mấy cháu phân biêt bún có chất phụ gia, hàn the với huỳnh quang không? Nếu sợi bún hơi nát, dễ đứt gãy và chạm vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn... thì đó là bún an toàn. Ngược lại bún dai, khó đứt là bún độc hại đó nghe các cháu. Ăn bún ít mập hơn ăn cơm vì lượng calo ít, nhưng các cháu nên ăn bún vào buổi sáng sẽ tốt hơn. Ai bị tiểu đường thì ăn cơm nguy hiểm hơn ăn bún nhiều nhé! Thôi mấy cháu vui vẻ đi, mần chi mà mặt ai cũng như mất sổ gạo rứa hè?
.
Sài Gòn 13/01/2017
Kts. Đinh Thanh Hải

Nhận xét

Bài đăng phổ biến