Bỏ Xứ Mà Đi
Không nơi mô như ở quê miềng ... Bà con lần lượt kéo nhau bỏ quê mà ra đi phương xa lập nghiệp, người thì lên rừng, người thì xuống biển, người thì đi vô tận miền nam. Chỉ còn ở lại là con ông cháu cha, con nhà giàu không cần làm cũng có ăn, hay làm anh nông dân bám ruộng bám nương rẫy.
Miền trung nói chung và Quảng Trị nói riêng còn rất nghèo, đất đai thì khô cằn mà thiên tai khắc nghiệt, năm nào cũng gồng mình lên mà chống chọi hết cơn bão này đến cơn bão kia, rồi lụt lội hoành hành ... Tiền của tích góp bao nhiêu năm nay dựng được một căn nhà để che nắng che mưa ... bổng dưng đổ ụp xuống sau cơn bão quét, tay trắng lại hoàn trắng tay. Bà con chỉ biết nhìn trời mà khóc mà than: Sao trời đày đọa gia đình chúng tôi ra nông nỗi này ? Bà con quần quật lao động từ sáng sớm đến tối mù, quanh năm suốt tháng, trời nắng chang chang cũng như trời mưa bão ... vậy mà nào có đủ cơm ăn áo mặc, cuộc sống thôi đói nghèo.
Đời sống khổ cực là vậy nhưng con cái đứa nào chăm học thì cha mẹ cũng cố thắt lưng buộc bụng, ăn mắm muối qua ngày mà dành dụm đôi ba đồng cho con đến trường, một câu mà cha mẹ quê tôi hay dạy con cái: " Gắng học đi con, học đi cho thoát nghèo " Con học đến đâu ba mẹ lo đến đó, có bán ruộng bán vườn cũng cố lo cho con cái chữ mà bước vào đời. Cho nên ngoài những đứa mê chơi không thích học ra, còn lại đứa nào mê học là nó học tới nơi, tới chốn ... biết ba mạ cực khổ lo cho mình ăn học nên mình phải cố gắng hơn, để không phụ lòng ba mẹ. Mỗi lần con cái nhận được tờ giấy báo trúng tuyển đại học là cả gia đình, dòng họ vui mừng ... bà con kéo đến nhà chúc mừng đông vui như hội, mừng vì nó có cơ may thoát nghèo. Nhưng sau đó thì ba mẹ mắt sâu hơn, lưng còng đi, tóc bạc thêm ... bà con hay nói vui: không đậu đại học thì mày chết với tau, mày đậu đại học rồi thì tau chết với mày... Có đứa thì học đại học 4 năm, có đứa thì 5 đến 6 năm ... xoay đi xoay lại là đến tháng gửi tiền cho con rồi, 500 hay 1 triệu là số tiền không nhỏ ở quê.
Xác xơ vứt ở bên đường
Thời gian đi học đã lắm khổ cực gian nan, đến khi ra trường để xin được việc lại còn khổ cực gian nan hơn ... Gửi đơn xin việc vào nơi nào đó là y như rằng phải có phong bì gần trăm triệu, lót đường này đường kia, số tiền đó là cả một gia tài của người dân quê tôi ... Vậy mà cũng chưa chắc đã xin được việc ... Cái tệ nạn xin việc hối lộ tiền đã thành cái lệ, như kiểu mẹ chồng nàng dâu: " ngày xưa bà nội mày làm khó dễ tau, giờ tau làm khó dễ lại vợ mày ... " Thì xin việc cũng vậy: " Xưa xin việc tau phải tốn cả đống tiền thì giờ mày tốn lại cho tau ..." Và khi được nhận vô làm thì " lương 3 cọc 3 đồng " mỗi tháng nhận được từ 2 đến 3 triệu đồng, như vậy khác nào làm việc không công mấy năm ?
Hôm anh em Quảng Trị ngồi nói chuyện, anh bạn tên Thành người ở Đông Hà kể: " Ba miềng cũng làm cán bộ, miềng ra trường xin việc quá gian nan, gia đình mình có đưa tiền nhưng vẫn không xin được việc ... vì họ không dám nhận tiền của ba miềng và cũng không thể nhận mình vô làm mà không có gì? Vậy là cuối cùng miềng đành bỏ quê vô Sài Gòn lập nghiệp ... Mình vừa đi xong thì thằng cháu của ông sếp đó vô ngồi cái ghế của mình xin. Nhưng giờ đây miềng nghĩ quyết định vô Sài Gòn là hoàn toàn đúng, nhờ rứa mà miềng được học lên cao. "
Rồi đến vấn nạn thi công chức, làm hợp đồng hoài thì lương đâu đủ sống, phải đi thi công chức đậu thì lương lá mới sống được ... bằng giỏi hay thông minh thì chưa là gì đâu nhé ? Thi hoài chẳng đậu được ... Vì mỗi lần thi đều có con em cháu cha lo lót hết rồi, các ghế đó đã có cấp cao chọn rồi, dân đen nào mà ngồi vô đó được ... Ba mẹ cứ tưởng con ra trường là thoát nghèo rồi, nào đâu phải vậy ... Đua theo kiểu xin việc này chắc phải bán luôn căn nhà mới có đủ số tiền mua cái ghế cho con ... cầm trên tay bằng này bằng kia mà đâu có bằng cái mác con ông này cháu bà kia.
Khúc ruột miền trung đã nghèo mà lắm vấn nạn, tiền của cứ chảy vào túi quan tham, kinh tế thì trì trệ, u mê hoài không tỉnh giấc. Làm sao tỉnh giấc khi những cái đầu u mê còn ngồi đó và những đứa con giỏi - tài năng đều đã bỏ xứ đi nơi khác ...
Vâng chính cái ruồng bỏ, không chấp nhận, họ không còn lựa chọn nào khác là phải ra đi tìm nơi lập nghiệp, ra đi và hứa sống chết cũng phải cố vươn lên, có ăn mày cũng không quay về quê hương ... Chính sự quyết tâm đó rất nhiều người đã rất thành đạt không những trong nước mà cả nước ngoài ... Họ đi lên từ đôi chân cùng khối óc và sức lao động, họ làm giàu bằng sự trong sạch và đặc biệt họ chẳng cần bỏ ra hàng trăm triệu để lo chỗ ngồi.
Dân nghèo mãi nghèo mà thôi ... Một là cúi đầu bê trà bưng nước hầu sếp ... hai là bỏ xứ ra đi ...
" Đò ơi, bên kia sông là Mẹ
Cho tôi về nơi được chở che
Đời rất đắng quê hương là mật
Lòng tôi vui với nắng sau hè"
(Thơ của Lê Tây)
Thèm được sống với quê lắm chứ, nơi tuổi thơ ta lớn lên ở đó, nơi những kỷ niệm bên gia đình cùng người thân ... Giờ phải khăn gói đi nơi xa lập nghiệp ... Nhớ lắm chứ. Nhưng không đi thì lấy gì mà sống, cạp đất mà ăn à ?
Sài Gòn ngày tháng 7, 2012
Kts. Đinh Thanh Hải
PS: Bên cạnh đó vẫn còn có rất nhiều người giỏi, tài năng đang cố bám lấy quê, và họ cũng thành công trên con đường họ đã chọn. Thành lập công ty tư nhân và ngày ngày phát triển đi lên giàu có.
adidas yeezy
Trả lờiXóajordan shoes
curry shoes
balenciaga speed trainer
adidas yeezy
supreme new york
kobe sneakers
a bathing ape
calvin klein
stone island jacket