Bom vẫn nổ trên đường Nó đi

 Đinh Thanh Hải bên quả bom 120kg
.
Nó là đứa sinh ra và lớn lên ở miền núi cao Khe Sanh, Quảng Trị, vùng biên giới giáp ranh với nước bạn Lào. Để kết nối với thế giới “văn minh” bên ngoài thì có độc đạo 1 con đường 9 Nam - Lào, xe cộ khó khăn, đường đi hiểm trở. Còn thông tin nghe lén qua radio kênh BBC hay các đài quốc tế. Trò chơi của con trẻ là vô rừng rú và leo trèo như con khỉ, ăn trái cây rừng, bắt chim, lấy nhộng ong ăn sống, trứng chim kẹp nách và nút... bơi lội nơi ao hồ, khe suối, thác nước. Lâu lâu có đoàn ca múa nhạc miền Nam lưu diễn ghé, rồi những đoàn xiếc hay lô tô “bê đê” là vui như hội.
Nó là con nhà không giàu nhưng không nghèo, chưa đói bữa nào, áo quần không hề rách nát, đôi khi Nó còn sướng hơn con nhà giàu, Ba Mạ không cho Nó đụng tay chân mần chi hết, học và chơi ngoan là được rồi, nhưng do nhà ở gần chợ nên cũng có chút ba trợn, đập bậy tè le với đám ở Tân Hợp.
Có lần, nhà cậu Chung đào hố trồng cà phê ở đồi 7 sào, Nó theo cậu Toàn với Khánh đi đào chù bui, cậu trả tiền theo số lượng hố đào được. Nó “mần thuê” một hôm và bị buộc thôi việc, chỗ nớ nhiều bom đạn lắm.
Thời gian nhà Nó nằm ở ngay mặt tiền đường 9, bà con ở dưới làng lên buôn đường Khe Sanh hay ghé, Nó lăng quăng đi rót nước mời, vâng dạ ngoan lắm tề, xin chi là cho nấy... sau đó, nhà chuyển lui phía sau một khúc, Nó cũng vẫn dễ thương, bà con đi chợ gánh nặng hay gặp mưa là ghé nhà nghỉ chân, vô nhà xin nước là tui chạy đi lấy cho ngay.
Có lần O Nguyệt vợ chú Đợt người PaKô đi chợ bán bánh Mỳ về, trưa nắng và đói bụng hay sao đó, tới gần nhà Nó thì ngất xỉu và nằm lăn ra đường, mấy người đi chợ túm tụm lại, Nó đứng ở trong sân nhìn thấy liền chạy ra... chao ui O “sùi bọt mép”, lúc này chắc Nó học lớp 8 hay 9 chi đọ, khoẻ như trâu, bồng bế O trên tay đem vô nhà. Nó học dọi Ba cách sơ cứu mấy vị trúng gió, lên cơn động kinh... Đặt O nằm xuống giữa nền nhà, để cho âm dương điều hoà, cơ thể “tiếp đất” đồ... Nó lấy kim nhúng vô dầu “cù là” để sát khuẩn, rồi đâm kim chích huyệt thái dương ở chỗ lõm phía đuôi chân lông mày, chích kim huyệt ấn đường giữa nằm giữa hai đầu chân mày, chích kim và nặn máu. Nó tiếp tục chích kim 10 đầu ngón tay, ngón chân... lấy tay ấn huyệt nhân trung và massage mặt, nhổ tóc ở đỉnh đầu mà quê gọi là “mỏ ác”, bôi dầu “cù là” lên các chỗ kim chích cho nóng... O Nguyệt bắt đầu tỉnh dần, mở mắt ra nhìn quanh, cho O ngồi nghỉ một chút để “lại thần hồn”. Nó nhờ người đứng gần đó dựng O ngồi dậy, kéo áo lên và lấy thẻ bài của lính Mỹ ra cạo gió sau lưng.
Sau đó O Nguyệt khoẻ lại và đi vô nhà, mấy người nói: “Ê cu ơi, mi liều mạng nghe, lợ O nớ chết trung nhà là mi mệt”.
Tối đó, Nó đi chơi quanh xóm về... nghe Ba Mạ kể là: “gia đình O Nguyệt - Đợt ra cảm ơn con!”.
Vụ cứu người trúng gió ni Nó tung chiêu cho mấy người luôn á, có lần Huế mưa và nước dâng cao gây ngập lụt, Nó ở trọ trên lầu bơ nghe ai đó kêu cứu, mở cửa ra chộ tay tê nói dzói lên: "Anh ấy ơi, anh trai của em bị bệnh, xin anh cho lên đó nằm một lúc, chứ bên nhà em ngập nước rồi...!". Nó liếc qua và phán ngay bị trúng gió, đem lên đây ngay. Nó tung chiêu “cứu độ chúng sanh”, anh Sơn chủ nhà trọ mặt lo sợ nhìn Nó đâm kim và sai vặt chạy đi lấy dầu gió, cù là, nấu giúp nồi cháo đậu xanh... Tiếp vụ nữa là bé Hiền ở nhà trọ tại đường Phạm Hồng Thái - Huế, bị lên cơn động kinh: tay co lại, chân duỗi thẳng, mắt trợn trừng, miệng sùi bọt... Nó lại đem chiêu “chích kim”, ấn huyệt, nới cúc quần cho thoáng..., đó là những thao tác giúp cho con người “thức tỉnh” thần kinh vì chích vào huyệt đạo nhạy cảm, khai thông máu huyết.
Nói dài quá, đơn giãn là Nó khoe mình có tính thương người từ nhỏ, giúp nhiệt tình mà không nề hà hay sợ phiền toái, hệ luỵ. Nó hiểu hoàn cảnh những số phận cơ cực, nghèo khó, túng thiếu, hãy thương họ nhiều hơn người bình thường.
Nó sướng từ nhỏ là có thật, nhưng không cao ngạo, coi khinh người nghèo mà xu nịnh kẻ giàu có hay quan chức có quyền lực. Nó trân quý những ai sống chân thành - tử tế, ghét bọn tiểu nhân - hóng hách - coi thường người khác.
Nó đi hàng quán ăn uống - nhật nhẹt, mỗi khi gọi món luôn nhẹ nhàng, từ tốn. Nó nóng tánh có nơi có chốn á, nhiều khi nhân viên phục vụ vô tình đổ chén nước mắm vào người, Nó vẫn “chịu đựng” và miệng nói không sao đâu - chứ có sao thì cũng đã bị mùi thúi vương áo quần rồi. Ngồi chờ đợi món ăn lâu bực mình lắm chứ, nhưng vẫn không hề to tiếng. Không bao giờ nghĩ mình là “thượng đế”, bỏ tiền ra nên có quyền hách dịch, quát tháo, nạt nộ cho sướng miệng - đã lỗ tai.
Nhiều khi Nó dị ứng với kẻ hàm hồ, miệng họ cứ chửi oang oang: mồi đâu, bia đâu, món ăn sao mặn, chế biến không đúng bài... Chi dzậy trời, nhân viên phục vụ bàn họ đâu có nấu, lỗi đâu phải do họ gây ra? Quát tháo ồn ào làm bữa tiệc mất vui, đau đầu và khó chịu, chưa kể xung quanh người ta nhìn nửa con mắt, khinh bỉ chứ không khen mô na. Nếu quán đó phục vụ kém, món ăn dở tệ... thì lần sau ta không đến nữa. Bạn bè họ bỏ tiền ra mua vui, tại sao bạn đành đoạn cướp mất tiêu.
Đi ăn hay gặp bạn bè là để thư giãn, vui vẻ, nói chuyện tếu hài cho quên đi mệt mỏi - căng thẳng của đời cơm áo... Chứ không phải đến cho quý vị dương oai, khoe khoang ta giàu có, quyền uy bắt nạt người khác. Thực ra mấy kẻ to miệng khi gọi mồi, chửi nhân viên phục vụ... thì khi trả tiền họ im re. làm lơ, hay vờ đi đái để né góp tiền trả cho bữa ăn nhậu... Đi đái xong bước ra, thấy bạn trả tiền rồi là la làng: tại sao không để tôi trả cho?
Có thể vì Nó diễn sâu, từ ánh mắt nhìn dễ mến đến lời nói nhẹ nhàng, cố ý mang tặng cho người phục vụ ở hàng quán... nên cứ thấy Nó bước chân vào quán là cười tươi vui, lăng xăng chạy tới chạy lui như kiểu “hầu hạ” thượng đế, mồi lên rất lẹ làng, đá bia khỏi chờ đợi lâu, phục vụ tận tình chu đáo... cho dù quán đang rất đông khách, nhưng bàn Nó ngồi sẽ được ưu ái hơn... Muốn ngồi thâu đêm suốt sáng vẫn được, cho 1 nhân viên ở lại phục vụ và chờ mấy thánh nhậu đã thì về.
Nhiều khi, Nó gọi món ăn ruột thì chủ quán nói nhỏ: Hôm nay món đó không được tươi, gọi món khác nhé!
Tự nhiên Nó trở thành “thượng đế” khi nào không hay, quán luôn tặng món "quái đãn", bill tính tiền thì giảm 20% tới 30%, chào đón Nó đến với quán như người thân trở về nhà...
Mỗi khi trả tiền, Nó hay đưa một ít gọi là tiền "lì xì" cho người phục vụ bàn, đây cũng là chiêu để lần sau quay lại họ tiếp đón ta như “thượng đế”.
Đi ăn quán nào thấy món ăn ngon, chỗ ngồi đẹp, phục vụ tốt thì Nó sẽ viết một bài “rì viu” hoành tráng, luôn nhớ tag địa chỉ hay tên của quán, để chủ quán họ biết mặt người đã KHEN họ... lần sau Nó tới là ôi la la đã quá ta, xin mến chào khách quý, hãy cho chúng em phục vụ hết lòng nhé!
Quý vị thấy Nó hay đăng bài “giới thiệu” là có mục đích hết á, thứ nhất giúp quán đông khách thì sẽ tồn tại lâu, chứ nhiều quán ngon mà vẫn ế nên sập tiệm, mất một chỗ để Nó ghé thưởng thức ẩm thực ngon. Quán đông khách thì đồ ăn luôn tươi mới, không bị tồn động lâu trong tủ lạnh. Khen cho họ mần ăn hiệu quả - thu nhập tốt, thì đương nhiên họ sẽ cảm ơn lại bằng cách tặng món “quái đãn”, món ăn tươi mới bán.
Đừng than trách quán đó phục vụ kém, mồi lâu lên, nhân viên chậm như rùa bò... Quý vị thử CHO đi, sẽ NHẬN được những cái “giá trị” ngay.
Nhân viên phục vụ tệ có nhiều lý do: có thể do tiền lương trả thấp làm nhân viên chán, chủ vắng mặt, quán đông quá làm họ đuối, kẻ có tiền đó rất đáng ghét vì đã khinh thường họ...
Người nghèo khổ thường rất nhạy cảm, tự ti, tủi thân và dễ buồn và giận hờn vu vơ... ta nên khôn khéo từ ánh mắt nhìn đến từng lời nói. Ui, nhưng mà “tâm sinh tướng”, cho nên hãy đẹp từ bên trong đi, sẽ đưa ra hành động đẹp, diễn lố bịch quá có khi tạo ra sự phản cảm.
Có câu: “Của cho không bằng cách cho”, quý vị thử tập cho sẽ vui lắm vì nhận lại những điều tuyệt vời, CHO đi sự thân thiện, CHO đi ánh mắt dễ gần, CHO đi lời nói dễ nghe... Không phải giàu có mới cho tiền nghĩa là cho. Nghèo thì của ít lòng nhiều, tặng người ta 10k hay 20k cũng được, số tiền đó đôi khi không bằng chút xíu khoản tiền bo cho gái rót bia, lau mặt.
Ngộ lắm, mua bó rau trả giá từng đồng, ki bo bạc cắc với người "hầu bàn", chửi không còn lời nào tệ hơn... nhưng lại mềm lòng với gái “tiếp thị”, họ được ngồi kế bên ăn mồi ngon - uống bia rượu mái thoải, sau đó được “bo” từ 200k tới đôi triệu tuỳ theo sự thoáng của kẻ ăn chơi giàu có.
Tưởng tượng người thân của quí vị đi làm thuê, thậm chí chính bạn cũng đang làm thuê... bị người khác bỏ tiền ra và chửi té tát, thì có vui hay không? Mọi người đều lao động để kiếm tiền, lo cho đời mưu sinh đầy khó nhọc... thì hãy thương và cho nhau sự nhẹ nhàng.
Khi quý vị thân thiện, tử tế, không coi họ là phận “đầy tớ” thì tự khắc sẽ trở thành “THƯỢNG ĐẾ”.
Chiến tranh đã qua lâu lắm rồi, mà bom đạn vẫn nổ trên đường Nó đi. Xin cảm ơn sự chịu đựng của quý vị!
June 01, 2020
Đinh Thanh Hải
.
(Hồi ký và chỉ chiêu để trở thành "Thượng Đế")

Nhận xét

Bài đăng phổ biến