Mộng Mị Giữa Đời

 Nó đang ở trên đỉnh núi Yên Tử - Chùa Đồng.
.
Con người hay muông thú đều muốn được "tự do", đó là bản chất tự nhiên và khát vọng có được, như chim cần bầu trời, cá cần nước, muông thú cần rừng, sự sống cần hít thở oxy...

United States Declaration of Independence - July 04, 1776: "We hold these truths to be self-evident, that all men are created equal, that they are endowed by their Creator with certain unalienable Rights, that among these are Life, Liberty and the pursuit of Happiness." - Thomas Jefferson, the principal author of the Declaration. Đó là trích đoạn từ Bản Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ - ngày 04/07/1776, do ngài Thomas Jefferson vị Tổng thống thứ ba của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ viết, Đinh Thanh Hải xin dịch nghĩa nôm na như vầy: "Chúng tôi giữ những sự thật hiển nhiên, là tất cả mọi người đều được tạo ra như nhau, họ được Đấng Tạo Hóa ban cho những Quyền không thể sửa đổi, trong đó có sự sống, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."

Nhưng đôi khi con người bị tước đoạt mất những quyền "tự do" cơ bản nhất, "khen thì được mà chê là đập", nhồi nhét vào não muốn yên thân thì bớt chê bai, nhiều lời, "phỏng đạn"..., ràng buộc con người sống và làm việc theo định hướng đã tạo sẵn.

Người ta ví von hoa sen: "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", điều đó cũng có thể hiểu cho những con người sống nơi tù đày, u mê, man rợ, mất quyền tự do, giáo dục nhồi sọ... nhưng vẫn khai sáng và dần thoát ra, "tự do" trong chính suy nghĩ và hành động của riêng mình. Đâu phải ai cũng biết "vâng lời", học sao làm vậy, thậm chí làm y khuôn càng tốt, khỏi cần sáng tạo.

Quý vị hãy mở tầm mắt ra nhìn thế giới, như đất nước Triều Tiên và Hàn Quốc, sẽ nhận ra người dân nơi nào được tự do, văn minh, giàu có? Hay ví von "thiên đường" với "tự do" nghĩa là sống trong sự nghèo khổ, cơ cực đeo bám? luôn đội lãnh đạo lên đầu mà thờ tự, tôn sùng và biến họ thành vị thánh.
Đất nước Nhật Bản ảnh hưởng rất nặng nề văn hóa của Tàu, nhưng họ dần thoát ra và tiếp cận văn hóa phương Tây, đưa đất nước trở thành một siêu cường quốc. Nhật Bản vẫn dùng chữ Hán, vẫn gìn giữ văn hóa truyền thống, nhưng đi theo chiều hướng văn minh - tiến bộ, nâng giá trị con người lên cao, quyền "tự do" không ai được xâm phạm. Nhật Bản đã và đang "thoát Tàu" - bài trừ Khổng giáo, những tàn dư của phong kiến u mê - lạc hậu - hà khắc, trói buộc xã hội theo kiểu truyền thống Phương Đông, triệt tiêu khát vọng tự do, dân chủ, kìm hãm sự phát triển nhân cách và nỗ lực sáng tạo của từng cá nhân.

 Con người nhỏ bé giữa thiên nhiên - đất trời.
.
"Khen thì được mà chê là đập", nhồi nhét sự sợ hãi vào tâm trí, và răn dạy muốn "thành nhân" thì cần phải kiệm lời: một sự nhịn chín sự lành, im lặng là vàng, uốn lưỡi nhiều lần trước khi nói, tốt khoe xấu che, đừng gieo nghiệp mà bị luật nhân quả - nghiệp báo trừng trị, người khôn nói ít nghe nhiều...
Con người luôn khao khát tự do, nhưng hành động lại cướp đi tự do của muôn loài. Nhiều người bắt đầu có tiền bạc và tập sống kiểu thượng lưu, nho nhã: "Giàu nuôi cá, khá nuôi chim...", vậy là bắt con chim đang bay lượn giữa bầu trời nhốt vào lồng, con cá đang tung tăng bơi lội giữa sông nước bắt thả vào bể cá, chưa kể việc "tu tâm tích đức" bằng phóng sanh, tạo ra nghề bắt chim với cá, kẻ này "phóng sanh" - kẻ kia bắt lại, biến chim cá bị què quặt, tật nguyền, chết chóc... Đó là những việc rất ác độc, chim cá hận thù chứ không thể cảm ơn.

Quý vị có bao giờ tự hóa thân làm con chim, bị bắt nhốt vào cái lồng sơn son thếp vàng, ăn đồ ngon và sung sướng hưởng thụ? rồi hót líu lo mua vui cho con người? Hay thử biến mình là con cá bị nhốt trong cái bể tuyệt đẹp, có rong rêu, có bọt khí... thích thú bơi lội trong không gian nhỏ hẹp đó? Hoặc tưởng tượng đang sống trong một hố bùn hôi thối, không chịu tắm rửa sạch sẽ, quay qua cười chê hoa sen kia chối bỏ nơi sinh thành, vong ân bội nghĩa.

Con chim bị bắt nhốt vào lồng từ nhỏ, rồi lớn lên... khi mở cửa lồng thả chim bay ra ngoài, chúng sẽ bay lượn quanh đó như một sự tiếc nuối, nhưng khi tung cánh giữa bầu trời thì chúng sẽ bay đi mất hút, không bao giờ quay trở lại.

Tại sao quan chức "đày" con cháu đi du học ở các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật... những nơi đó đã bị khép tội là "tư bản giãy chết", "con hổ giấy"...

Phần lớn, những người đi du học xong không muốn quay về đất nước, kể cả con cháu của quan chức. Mặc dù chúng biết nếu trở về sẽ được làm vua, sống trong giàu sang phú quý, tiếng nói trọng lượng ngàn vàng, được lắm kẻ "bợ đít" cúi đầu chào hỏi - phục tùng - hầu hạ.

Vâng, vì chúng đã "bị" giáo dục phương Tây "nhồi sọ", biến thành những con người văn minh, tiến bộ. Chúng không khác gì những con chim đã rời xa chiếc lồng và tung bay giữa bầu trời, như con cá được thả về với sông nước, biển cả - bơi lội tung tăng. Chấp nhận làm culi cho tư bản, cày cuốc kiếm tiền, bù lại chúng sẽ được vui sống trong một đất nước có TỰ DO đúng nghĩa.

Khi bước ra khỏi đáy giếng, leo lên đỉnh núi cao để nhìn ngắm trời đất, mới thấy bầu trời không hề nhỏ bé bằng cái "vung", mà bao la và rộng lớn, muôn hình vạn trạng.

Những lúc ta leo lên đỉnh núi cao, thả mắt nhìn ra xa hun hút, tâm trí ta nhẹ nhàng như thể đang bay bổng giữa bầu trời, vờn mây cùng đùa với gió, mọi thứ thật nhỏ bé, ngay chính ta cũng lạc giữa thiên nhiên với đất trời, chỉ như là một hạt bụi mà thôi... Ta chợt ngẫm nghĩ về đời này, hôm nay đây mà mai đã tan biến, ai cũng một lần sống rồi qua đời, hóa linh hồn đi mây về gió.

June 22, 2020
Đinh Thanh Hải

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến