Cúi chào là nét văn hóa giao tiếp của người Nhật Bản

Nghệ nhân trà đạo mời khách dùng trà.
.
Tôi may mắn được vào làm công ty Nhật từ lúc mới tốt nghiệp đại học kiến trúc, những ngày đầu làm cho công ty thật là căng thẳng và áp lực, mới một tháng đầu đã định nghỉ làm, anh làm chung khuyên hãy vượt qua giai đoạn đầu. Và Nó chung thủy với công ty mười mấy năm nay, mọi thứ đã thành nếp rồi, mà người Nhật gọi là "Văn Hóa Làm Việc Của Người Nhật", mỗi năm công ty tổng bên Tokyo sẽ gửi chuyên gia về VN và cho nhân viên học văn hóa làm việc... từ cách cúi đầu chào với khách hàng sao cho đúng, gập đầu xuống chào thì đầu không được ngóc lên nhìn khách. Mỗi lần nghe điện thoại là bạn đang đại diện cả tập đoàn nói chuyện với khách, nên bạn phải nhẹ nhàng nói chuyện, khi kết thúc thì chờ bên kia cúp máy, hoặc ta đặt nhẹ nhàng để tôn trọng khách. Vào phòng làm việc thì sẽ nhận ra ai là người quan trọng, ai là người phụ tá...
.
Chào hỏi là một nét văn hóa đặc biệt được chú trọng của Nhật Bản
.
Cúi chào là một nét văn hóa đẹp của Nhật Bản, được coi như một nghi lễ giao tiếp mà ai cũng tuân thủ tự nguyện, hình ảnh chào nhau chứa đựng những tình cảm cao quý, tôn trọng. Thay vì mọi người gặp nhau sẽ bắt tay, nhưng người Nhật không làm vậy khi gặp gỡ, còn khi gặp người nước ngoài họ bắt tay, thì người Nhật sẽ kết hợp thêm cúi chào. Việc cúi chào này được người Nhật chỉ tận tình cho nhân viên, vì việc đánh giá con người hay công ty ngoài tài năng làm việc, thì còn phải chú trọng đến cử chỉ, thái độ... nó đánh giá con người anh có lịch sự, văn hóa, nhã nhặn hay không? Chào eshaku là nghiêng 15 độ, đây là mức độ nhẹ nhàng, dùng để chào bạn bè, hay người cùng cấp bậc - địa vị với mình. Kiểu thứ 2 đó là gập đầu 30 độ, đây là nhân viên chào sếp, người lớn tuổi hoặc đối tác làm ăn. Kiểu thứ 3 là gập đầu cùng lưng nghiêng 45 độ, một kiểu chào lịch sự nhất, người Nhật gọi là kiểu Saikeirei, người ta dùng để cảm ơn ai đó giúp mình, hay xin lỗi thành tâm.


Năm 2016, Nó may mắn được đến với nước Nhật, thành phố văn minh bậc nhất thế giới. Từ Sài Gòn tôi đáp chuyến bay đến sân bay Narita, một sân bay được cho là bận rộn đứng thứ 24 của thế giới. Vừa xuống sân bay vào lúc 0h25, nhìn đoàn người tấp nập đi như chạy, xếp hàng đều rắp. Ta không hề bắt gặp cảnh ngồi chờ trong mệt mỏi, vật vờ... lấy hành lý xong là đi thẳng qua cổng an ninh, trên mặt họ là nụ cười thân thiện, thủ tục rất nhanh và chẳng hỏi han gì nhiều cả. Sau đó ra đón xe buýt để trở về Tokyo, những nhân viên bóc hành lý lên nhẹ nhàng, ân cần. Chiếc xe chuẩn bị lăn bánh thì họ cúi đầu chào, xe đi xa họ mới thôi. Đa phần nhân viên trong sân bay hay lái xe buýt, xe taxi, bóc hàng là những người lớn tuổi... vâng họ là những người đã nghỉ hưu, nhưng vẫn muốn đi làm, chứ không chịu ở nhà nghỉ ngơi, thư giãn.

Đến với nước Nhật làm cho Nó đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, họ không ghi những biển báo cấm này cấm kia, mà ta khi vào nước họ, tự khắc làm theo những người Nhật, như xếp hàng khi chờ lên tàu điện, không quăng rác bừa bãi... có khi mở cái kẹo ra ăn và cái vỏ ấy ta nhét vào túi chứ không thể quăng ngay bên đường. Bước chân đến một hẻm nhỏ khi có đèn đỏ ta buộc phải dừng chân, mặc dù đường vắng tanh. Quá thích thú khi được đến với đất nước mặt trời mọc này, tôi đã ghép đôi dòng chữ để nói về đất nước thân yêu:

Mặt trời luôn mọc ở nơi đây
Chẳng có ban đêm chỉ có ngày
Phố xá đông vui luôn nhộn nhịp
Người trước với sau nối một hàng
Con đường nhỏ đông vui đến lạ
Lối đi này định sẵn trong tim
Cùng bước tới văn minh tiến bộ
Chẳng bắt ai cấm bước hay dừng
Ôi xứ sở là mơ hay thực
Chốn thiên đường có ở trần gian.

 Hình ảnh ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 đang cúi chào khách đổ xăng.

Mấy hôm nay, báo chí và cộng đồng mạng đang chia sẻ rất nhiều về những hình ảnh đẹp như này. Một người Nhật đứng chào khách vào đổ xăng cả tiếng đồng hồ, mặc kệ trời đang mưa. Ai ai cũng vui mừng khi thấy hành động cúi chào này, đúng như câu khách hàng là thượng đế, họ được đón chào trân trọng, đồng tiền bỏ ra thật xứng đáng.  Việc cúi chào này đã thành cái nếp rồi quý vị ạ, người lớn làm và con trẻ học theo, cha mẹ dạy con từ thuở vừa biết nói biết đi. Như việc ta tập nói lời xin lỗi khi đã làm việc gì sai, hay cảm ơn khi ai đó giúp đỡ... ban đầu hơi gượng ép và ngại ngùng, nhưng khi đã thành quen thì ta cảm thấy rất tuyệt vời, tự nhiên nhẹ nhàng và trong lòng vui đến lạ. Nhiều khi đi ăn, cô phục vụ đưa dĩa thức ăn tới, ta cảm ơn một tiếng, ta vui một mà người nhân viên kia vui hơn, ánh mắt họ như thầm cảm ơn vì đã quý mến.

Bạn có vui khi ai đó cảm ơn việc bạn làm? Vâng CÓ. Bạn có quay lại nhà hàng nào đó khi chủ quán hay nhân viên phục vụ tốt, chào hỏi niềm nở và cảm ơn hay chào khi ra về? Vâng CÓ. Thì việc người Nhật Bản chào khách vào đổ xăng sẽ làm riêng TÔI quay trở lại khi cần đổ xăng.

Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 của Nhật Bản có mặt tại Việt Nam là một dấu hiệu tốt mà mọi người đang trong chờ, những cái gì độc quyền thì bao giờ cũng tệ hại. Khi có sự cạnh tranh rồi ắt sẽ tốt hơn, giá cả mềm hơn. Ai ai cũng ao ước công ty Xăng dầu này được nhân rộng ra khắp các địa bàn, để bà con được mua giá xăng rẻ hơn, và được sự tôn trọng hơn.Tôi hay ví von chuyện độc quyền hắn giống như bạn đi du lịch tới một vùng quê hẻo lánh, nơi đó chỉ có một quán cơm... thì chắc chắn bạn sẽ bị chém giá cao và món ăn rất tệ... Vì chủ quán biết rằng nơi đây chỉ có mỗi mình ta, khách không ăn thì đói, cứ thế mà làm giá cho có lời cao. Nhưng vài năm sau nếu nơi đó dân cư phát triển, và mọc lên thêm vài ba quán ăn nữa, chắc chắn rằng khi đó bạn ghé lại sẽ khác hơn, món ăn ngon hơn, giá rẻ hơn.

Sài Gòn 12/10/2017
Đinh Thanh Hải
.
Đọc thêm bài viết về Nhật Bản:  http://hodinhvietnam.com/threads/3466
.

Nhận xét

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến