Người ươm mầm xanh cây cà phê trên đất đỏ Khe Sanh
Ông Hồ Văn Minh người của vùng cao nguyên đất đỏ bazan.
.
Từ những năm 1988, Khe Sanh, Tân Liên, Tân Lập còn khá hoang vu, người dân ở còn thưa thớt, tập trung dọc theo con đường 9 Nam Lào, những đồi hoang bạt ngàn lau sậy, cỏ tranh. Thế đó mà có một người con quê Hải Thọ, Hải Lăng, Quảng Trị đã bỏ phố thị Nha Trang để lên rừng, đến với vùng đất đỏ bazan, một màu như dòng máu tươi thắm, lòng nhiệt huyết của ông Hồ Văn Minh muốn cho nơi đây những triền đồi, những hố bom thành lô cà phê xanh thắm, mùa về cho ra cây trái xum xuê trĩu quả, rồi tạo ra một thức uống thơm ngon.
Ông Minh chia sẻ: "Sau 1975 gia đình tôi sống ở Nha Trang tương đối sung túc, vậy mà lòng dạ lúc nào cũng nghĩ về vùng đất đỏ quê hương. Nhiều lần tôi bày tỏ ý định của mình với vợ, lúc đầu vợ có băn khoăn một chút về sự thay đổi môi trường sống, về sự dở dang học hành của con cái, nhưng rồi chị cũng không cản được ước mơ của chồng và thu xếp hành trang để cùng anh về vùng đất mới"
Chuyến xe lăn bánh đưa gia đình đi trên con đường 9 Nam Lào, qua Đông Hà là hướng thẳng đi lên, con đường nhỏ uốn lượn quanh co, có những khúc cua thật đáng sợ, một bên là núi và một bên là vực thẳm nhìn hút ánh mắt người, chiếc xe đò cứ từ từ bò lên dốc, rồi ken két tiếng rà phanh khi xe đổ xuống đèo. Hai bên con đường hoang vắng, lâu lâu lại ló ra vài căn nhà sàn của người dân tộc Vân Kiều - PaCô. Lòng người vợ lại lo lắng, ôi cái nơi mình và các con sẽ sống những ngày mai đây sao?
Qua Khe Sanh một đoạn thì xe dừng lại ở Tân Liên, bà Thái An đã thốt lên: "Ôi, vùng đất đỏ Bazan đầy khát vọng, cháy mãi ngọn lửa thôi thúc không nguôi trong anh là đây chăng? Những dự tính ban đầu, những kế hoạch phác họa lên trang giấy đã khó, bây giờ bước vào thực tế càng thấy khó hơn"
Ông Hồ Văn Minh đã từ bỏ cuộc sống phố thị với đầy đủ phương tiện sống, để chấp nhận túp nhà tranh vách lá giữa núi đồi vắng vẻ này. Nhiều bạn bè thân thuộc chưa thấu hiểu được mục đích của đời ông, nên đã hoài nghi và chê trách: "đường quang không đi lại đâm quàng bụi rậm"
Đường lên với vùng núi cao nguyên đất đỏ bazan Khe Sanh - Hướng Hóa - Quảng Trị
.
Mặc cho ai nói gì đi nữa, ông Minh đã lấy hành động cụ thể mà trả lời, ông đã bắt tay với những người cùng chí hướng, họ là người quê Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Bình... thống nhất với nhau cách thức mở mang cơ nghiệp ở đất đỏ bazan này.
Đồi núi rộng mênh mông đầy sỏi đá, cỏ tranh, gai mắc cỡ và những hố bom do chiến tranh để lại, đồi núi hoang hóa từ lâu cần bàn tay người khai phát, ừ nơi nào mà chẳng như vậy, hơn nhau là ý chí... đó là những luận chứng mà ông phác họa ở trong đầu mình, thôi thúc phải cố gắng làm rồi ắt sẽ thành công.
Căn nhà của Eugene Poilane người mang cây cà phê đến Khe Sanh đầu tiên, năm 1926.
.
Đọc những trang tài liệu, ông Minh càng hiểu rõ hơn vì sao người Pháp trước đây như ông Eugene Poilane đã mang cây cà phê với cây ăn quả từ Pháp sang trồng không phải là không có lý. Năm 1918 ông đã đến Khe Sanh, rồi ông trở lại đây định cư vì thấy tiềm năng ở đây để phát triển sự nghiệp. Bắt đầu trồng cà phê năm 1926, trong khi vẫn tiếp tục công việc của nhà khoa học tận đến 1947, ông qua đời 1964 tại nơi này do tại nạn.
Người ta đồn rằng: "Khe Sanh là cái rốn gió Lào" cây cà phê không thể nào thích ứng nổi. Nhưng qua sự tìm hiểu, so sánh giữa Khe Sanh với Tây Nguyên, Lâm Viên, Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột... thì thời tiết Khe Sanh có nhiều thuận lợi hơn cho sự phát triển của cây cà phê, vì rằng ngoài 6 tháng mưa như các vùng cao nguyên khác, Khe Sanh còn được thêm 3 tháng mưa do ảnh hưởng từ Lào, nên đất có độ ẩm cao, cây cà phê không lo bị hạn.
Người ta đồn rằng: "Khe Sanh là cái rốn gió Lào" cây cà phê không thể nào thích ứng nổi. Nhưng qua sự tìm hiểu, so sánh giữa Khe Sanh với Tây Nguyên, Lâm Viên, Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột... thì thời tiết Khe Sanh có nhiều thuận lợi hơn cho sự phát triển của cây cà phê, vì rằng ngoài 6 tháng mưa như các vùng cao nguyên khác, Khe Sanh còn được thêm 3 tháng mưa do ảnh hưởng từ Lào, nên đất có độ ẩm cao, cây cà phê không lo bị hạn.
Những hình ảnh của gia đình ông Hồ Văn Minh
.
Thử thách đầu tiên của ông Minh là dùng máy ủi san bằng hố bom, triệt phá cỏ dại. Những đồng tiền vốn của vợ chồng đầu tư vào sự mở mang ban đầu không khác gì nắm muối ném vào biển lớn. May mắn là ngân hàng nông nghiệp Hướng Hóa đã nhạy cảm với cách làm ăn của ông nên mạnh dạn cho vay gần 200 triệu đồng để mua thêm vật tư, phương tiện cần thiết và trả lương tháng cho công nhân. 20 hecta được ông trồng lên những giống cà phê Catuai, Catimor... người dân nơi đây nghĩ rằng ông quá mạo hiểm khi trồng những giống cây cà phê mới này. Nhưng rồi thực tiễn thật là linh nghiệm, những điều dám nghĩ dám làm đã đem lại hiệu quả trông thấy. Những lô cà phê Catuai đã chịu được rét, mới 2 năm thôi mà đã ra trái bói, năng suất có đến gần 1 tấn nhân trên 1 hecta. Đóng góp vào hiệu quả cây cà phê là những hàng cây bạch đàn, tràm hoa vàng trồng bao quanh các lô cà phê làm vành đai chắn gió, chắn bão. Rồi những muống hoa vàng trồng xen giữa các hàng cà phê tạo nguồn phân xanh cho đất xốp, cây mau phát triển. Rồi phân hữu cơ từ đàn bò hàng trăm con, thị trường Khe Sanh lại có thêm nguồn thịt từ nông trường Minh Đức cung cấp. Nguồn nước tự nhiên chảy vào tưới cà phê qua hệ thống mương, rồi chảy xuống 6 hồ thả cá, mỗi năm có tới 3 tấn cá thịt.
Người vợ cùng các con của ông đã phụ giúp chồng một tay, mở hiệu may, quán hàng tạp hóa - sách báo, lấy ngắn nuôi dài, trang trải những chi phí sinh hoạt thường ngày của gia đình. Khát vọng đất bazan đã chín đỏ ước mơ nay đã thành sự thật. Niềm vui này ông muốn gửi đến bạn bè và người thân thuộc, vui mừng với miền núi cao nay đã phủ xanh đồi hoang là những lô cà phê, trái chắc hạt, cho ra một thứ cà phê làm bao người mê thích, những "giọt buồn không tên" của Khe Sanh sẽ mang đến ấm no, hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Ông Hồ Văn Minh đã chọn nơi mình sống là miền núi cao của tỉnh Quảng Trị, bước chân trên đất mến người, sau cơn mưa đất bám chặt dép như níu chân người ở lại. Ông đã qua đời vào tháng 01 năm 2011 tại Tân Liên, thân xác lại nằm vào trong đất đỏ bazan mà ông yêu quý, bên những lô cà phê vẫn reo lên thành tiếng mỗi khi gió thổi qua. Ông đã ra đi nhưng những triền đồi kia, ao suối ấy vẫn lưu dấu hình ảnh của ông.
Sài Gòn 08/08/2018
Đinh Thanh Hải
Sài Gòn 08/08/2018
Đinh Thanh Hải
Nhận xét
Đăng nhận xét