Dòng sông Hương ai đã đặt tên ?
Dòng sông Hương tôi chụp một lần ghé về thăm Huế
.
Tôi không biết ai đã đặt tên cho dòng sông Hương ở Huế, nhưng con sông ấy ai đi qua cũng cảm thấy mến thương, dễ gần, như mấy câu thơ của nhà thơ Thu Bồn nhè nhẹ mà hay: "Con sông dùng dằng con sông không chảy, sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu...". Ủa sông Hương đứng im mà không muốn chảy hay sao? Để rồi sông chảy vào lòng của Huế, pha thêm chút trầm tư, chút xưa cũ của lăng tẩm, đền đài, miếu tự.Rồi cũng chính dòng sông Hương ấy cứ êm đềm, nhẹ nhàng qua mấy câu thơ của nhà thơ Bùi Giáng: "Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương."
Với tôi, luôn thấy nét nhẹ nhàng êm ái của sông Hương, kiểu nước chảy chầm chậm, chầm chậm, như con hến ở đập đá bò đi dưới bùn non... hay cứ từ từ như giọng nói của người con gái Huế vậy. Có câu chuyện về một bà người Bắc đi chợ Đông Ba, vì mất đôi dép mà bà chửi O tê thấy tội, chửi từ đời cao tằng cố tổ gọi xuống... Sau một hồi cho bà kia chửi đã đời, O Huế nói: Dạ thưa chị nờ, chị chửi tui răng thì tui chửi chị như rứa a chị tề.
Nhiều lần tôi đã nhảy xuống sông Hương tắm và bơi lội, uồm một cái ra xa và bơi đôi sải tay thì dưới chân nước lạnh teo, đứng ngoài đó một lúc lại bơi vào bờ vì sợ chuột rút... lâu lâu lại có những đợt sóng nhỏ khi chiếc thuyền nào đó vừa đi qua, cái âm thanh nước va vào bờ nghe đã tai lắm.
Mực nước sông Hương dâng lên hạ xuống theo thuỷ triều, mùa khô hạn nước sông vẫn trong xanh... Chỉ những khi mưa nhiều nước không kịp chảy ra biển, sông Hương tràn bờ thế mà vẫn dịu êm, cái dịu êm trong mưa gió lụt lội mới là lạ đời. Có một lần vào năm 1999, nước mưa mô trên trời rơi xuống dữ thần ác ôn, làm Huế bị nhấn chìm trong biển nước, may răng phía mạn biển Thuận An bị “tức nước vỡ bờ”, xé tan hoang một số làng mạc, rồi tạo ra những làng mới sau này, cứu người dân Huế thoát cảnh tai ương do thiên tai gây hại.
Những lần lang thang bên bờ sông Hương, vô tình nghe ai đó hát mấy câu: "Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy, bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con..." Chỉ nghe vài câu trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, làm cho ta lần mò trở về chuyện ngày xưa, những con đường trong thành nội mà người dân Huế sợ, sự khiếp sợ cho đến tận bây giờ... Ngay cả tôi, mỗi lần đi ngang qua những con đường, bất chợt nổi hết da gà, cứ tưởng tượng nơi đây ngày xưa từng chết chóc tang thương, Tết Mậu Thân năm 1968... Đến bây giờ, ở Huế có một ngày mà nhà nhà làm đám giỗ, vì ngày đó năm 1968 người Huế chết quá nhiều, người ruột thịt hay người thân không may bị chết. Đó là câu trả lời cho du khách cứ hỏi sao trước sân nhà ai cũng có một am thờ vong...
Nước sông Hương đã bao lần nhuốm máu của người dân vô tội, vì chiến tranh không phải trò đùa, nhưng cho dù nước nhuộm đỏ một màu máu mà vẫn dịu êm, hiền từ.
Nhìn sông Hương không ai nói “cô ấy” có nguồn cội từ núi rừng hung tàn chảy ra, chưa hề thấy sự dữ dội, và cũng không lộ ra sự chịu đựng gian truân, hay cuồn cuộn màu nước bàng bạc của phù sa từ rừng Trường Sơn đổ xuống... Cũng có thể sông Hương có nguồn cội, dây mơ rễ má như vậy đó, nhưng sự dữ dội từ núi rừng, thác ghềnh đã cúi mình trước sự êm dịu của sông Hương mà biến đổi, bỏ đi mọi thứ cho phù hợp với một dòng sông.
Mãi miên man mà tôi quên mất rằng mình chưa trả lời câu hỏi: "Ai đã đặt tên cho dòng sông Hương?" Nhưng rồi tôi nghĩ tại sao phải đi tìm người nào đó đặt tên cho một con sông ở xứ thần kinh năm xưa, cái tên là một cái tên, không của ai đặt, mà có đặt cũng không cần phải bận tâm, và người đặt tên chắc cũng không cần ai phải nhớ ơn đời đời, hay tạc tượng thật to nằm ngay bên dòng sông Hương... vì như thế góp phần làm cho dòng sông Hương mất đi sự nên thơ vốn có từ bấy lâu nay, xin hãy để yên như thế: “vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”.
Sài Gòn 25/06/2019
Đinh Thanh Hải
Đinh Thanh Hải
Nhận xét
Đăng nhận xét